Trong vụ việc 5 ôtô tông liên hoàn trên cao tốc Trung Lương khiến tuyến đường bị ùn tắc kéo dài 5 km, trưa 5/1 vừa qua, có một chi tiết khiến tôi rất trăn trở. Đó là sau khi vụ việc xảy ra, nhiều tài xế do sốt ruột vì bị kẹt xe kéo dài nên bất chấp chạy vào làn dừng khẩn cấp, khiến hàng chục xe cứu thương bị mắc kẹt lại, phải hú còi trong bất lực.
Theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 số 23/2008/QH12 quy định, các phương tiện không được phép di chuyển trong làn dừng xe khẩn cấp đường cao tốc và phần lề đường được ngăn cách với phần đường chính bằng vạch kẻ liền trắng. Lái xe chỉ được phép di chuyển vào phần đường khẩn cấp trên đường cao tốc trong những trường hợp: xe gặp trục trặc, chủ xe không thể tiếp tục lái xe hoặc tiếp tục lái xe an toàn trong một vài trường hợp như: hết xăng, chết máy, thay lốp... hoặc sức khỏe của tài xế không đảm bảo.
Ngoài ra, các loại phương tiện ưu tiên như xe cấp cứu, xe cứu hỏa, xe cảnh sát, quân sự, xe cứu thương... cũng được phép di chuyển, đỗ, dừng xe tại đây trong trường hợp khẩn cấp, cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn hay thi hành nhiệm vụ.
Như vậy, theo luật, không có quy định nào cho phép tài xế đi vào làn khẩn cấp khi có ùn tắc giao thông, coi đây nhưng đường thoát khi xảy ra kẹt xe. Tiếc rằng, trong thực tế giao thông ở nước ta, hiện tượng tài xế tự ý trưng dụng làn khẩn cấp khi có tắc đường lại chẳng hề hiếm, từ đường vành đai trên cao trong nội đô cho đến cao tốc. Đây rõ ràng là vấn đề thuộc về ý thức của người lái xe, chẳng có lý do nào để bảo chữa cho hành vi vi phạm này.
Cứ hình dung đường ùn tắc mà xe nào cũng nhăm nhe chạy vào làn khẩn cấp để đi cho nhanh, rồi làm kẹt luôn cả làn này, thì những xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ như cứu thương, cứu hỏa... xe biết đi vào đâu? Hậu quả sau đó, cả về người và của, sẽ lớn đến mức nào?
>> Hai xe cứu thương 'chôn chân' vì dòng ôtô chiếm làn khẩn cấp
Trong vụ việc trên, tôi tự hỏi, trong hàng chục xe cứu thương bị mắc kẹt vì tài xế chiếm làn khẩn cấp kia, liệu có bao nhiêu bệnh nhân sẽ phải chịu thiệt hại về sức khỏe, thậm chí là tính mạng? Ai cũng hiểu rằng, cấp cứu là chuyện không thể chậm trễ, bởi một vài giây với người bệnh cũng là vô cùng quý giá. Ấy vậy mà những tài xế vô ý thức lại coi trọng chút lợi ích cho bản thân mình hơn tính mạng của người khác. Đó rõ ràng là hành vi khôn lỏi, không thể chấp nhận được.
Ở nước ngoài, chuyện tai nạn trên cao tốc khiến kẹt xe kéo dài hàng chục km chẳng phải chuyện hiếm. Thế nhưng, trong các vụ việc như thế, người lái xe ở nước họ luôn có ý thức giữ trật tự, kiên nhẫn xếp hàng chờ lực lượng chức năng xử lý va chạm và điều phối giao thông. Tuyệt nhiên, chẳng có ai chen vào làn khẩn cấp để đi cho nhanh cả. Thậm chí, tại các tuyến đường không có làn khẩn cấp, các tài xế còn chẳng ai bảo ai, tự động đánh lái sang một bên để tạo khoảng không cho xe cứu thương, cứu hỏa vượt lên trước.
Tất cả những thứ đó thuộc về ý thức của người tham gia giao thông - thứ vẫn còn là điều gì đó rất xa xỉ với phần đông tài xế Việt.
Theo quy định tại Điểm g Khoản 5 Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, việc điều khiển xe chạy ở làn khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Người vi phạm còn có thể bị tước bằng lái xe từ 1-3 tháng. Theo tôi, mức phạt này vẫn còn quá nhẹ nên chưa tạo được tính răn đe với các tài xế.
Nếu không thể mạnh tay phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp lấn làn khẩn cấp như thế này, e rằng cao tốc Việt vẫn sẽ còn xa mới văn minh được như thế giới. Vấn đề giải pháp xử lý, tôi xin nhường lại cho các bạn độc giả cùng góp ý, đề xuất để cơ quan chức năng sớm can thiệp và cải thiện tình hình thực tế.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.