Nguy cơ đau tim tăng dần theo tuổi tác, có liên quan đến tiền sử gia đình mắc bệnh. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), những ca tử vong vì đau tim thường từ 65 tuổi trở lên.
Một số yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa như hút thuốc, huyết áp cao, cholesterol cao, thừa cân hoặc béo phì. Bên cạnh đó, một số thói quen ăn uống cũng góp phần ngăn ngừa đau tim.
Hạn chế muối: AHA khuyến nghị tiêu thụ muối không quá 1.500 mg mỗi ngày để giữ tim khỏe. Ngoài liều lượng nêm trong món ăn, món chấm, muối còn tiềm ẩn trong thực phẩm chế biến sẵn như súp đóng hộp, nước sốt, thịt nguội, thực phẩm đông lạnh, đồ ăn nhẹ đóng gói.
Theo dõi lượng calo nạp vào: Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh là một trong những biện pháp phòng ngừa đau tim. Mỡ nội tạng tập trung chủ yếu ở phần bụng, có xu hướng nhiều hơn khi tăng cân. Chúng tạo ra nhiều protein nhất định gây viêm các mô, cơ và thu hẹp các mạch máu. Chọn khẩu phần ăn nhỏ hơn và ăn chậm có thể cắt giảm lượng calo nạp vào, từ đó duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Ăn nhiều trái cây và rau quả: Cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào, ít calo và giàu chất xơ. Ăn nhiều trái cây và rau quả giúp cắt giảm thực phẩm có lượng calo cao hơn như thịt, phô mai, đồ ăn vặt; có lợi cho kiểm soát cân nặng. Mỗi người nên đặt mục tiêu ăn ít nhất 5 phần trái cây và rau quả khác nhau mỗi ngày.
Tăng cường ngũ cốc, các loại đậu: Chất xơ, nhất là loại hòa tan có thể loại bỏ cholesterol xấu, gây tổn thương mạch máu, dẫn tới đau tim. Ngũ cốc lành mạnh, chưa qua tinh chế nên chọn như bột yến mạch, gạo lứt, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt. Các loại đậu gồm đậu khô, đậu xanh, đậu lăng và đậu mắt đen.
Chọn thịt nạc và cá béo: Các loại thịt có da và mỡ có liên quan đến bệnh tim vì chúng chứa chất béo có hại. Nên ưu tiên thịt nạc như thịt bò nạc, thăn lợn, thịt gia cầm, gà tây không da. Các loại cá béo rất giàu axit béo omega-3 bao gồm cá hồi, cá ngừ, cá thu. Omega-3 hỗ trợ giảm viêm, phòng ngừa nhiều bệnh.
Ưu tiên thực phẩm giàu chất béo lành mạnh: Tiêu thụ chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Chúng có trong hầu hết các loại hạt (hạnh nhân, đậu phộng, bí ngô hướng dương) và dầu (dầu hạt cải, ô liu, hướng dương).
Cắt giảm chất béo không lành mạnh: Thực phẩm chứa chất béo bão hòa bao gồm thịt mỡ, thịt gia cầm, các sản phẩm từ sữa giàu chất béo, dầu dừa và dầu cọ. Chất béo chuyển hóa được làm từ quá trình dầu hydro hóa một phần, thường được tìm thấy trong các món tráng miệng, bỏng ngô làm từ lò vi sóng, pizza đông lạnh, bơ thực vật dạng thanh và kem cà phê.
Ăn ít đường: Đường có thể làm hỏng niêm mạc mạch máu bằng cách giảm tính đàn hồi, thu hẹp diện tích và hạn chế lưu lượng máu. Nếu những động mạch đó đã có mảng bám tích tụ làm giảm lưu lượng máu đến tim và não dẫn đến đau tim, đột quỵ. Đường có nhiều dạng như đường nâu, sirô ngô có hàm lượng fructose cao, sucrose, fructose, glucose, mật ong.
Uống rượu có chừng mực: Rượu bia gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch, suy tim, các cơn đau tim và đột quỵ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nam giới không nên uống quá hai ly rượu mỗi ngày, phụ nữ chỉ nên uống một ly.
Bảo Bảo (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |