Xung quanh "Đề xuất giảm 10% giá điện vì Covid-19", nhiều độc giả VnExpress cho rằng mức giảm này chưa hợp lý với nhu cầu và khó khăn của phần đông người dân:
Bình thường người dân dùng 500 nghìn đồng/ tháng tiền điện. Nay cách ly ở nhà hóa đơn tăng lên đến 650 nghìn đồng, thứ nhập hầu như không có. Đề nghị ngành điện EVN giảm 50% trên giá trị hóa đơn, tức còn khoảng 300-350 nghìn đồng/ tháng thì mới thực sự gọi là hỗ trợ dân sinh trong thời điểm dịch bệnh này.
Thất nghiệp hưởng lương bao nhiêu? Có đồng lương nào đâu. Ăn rồi ở nhà lấy đâu ra tiền. Đề nghị nên giảm 50% giá điện toàn quốc và miễn đối với một số hộ dân nghèo (theo thống kê của địa phương) trong mùa dịch hoặc tối thiểu là thời gian cách ly toàn xã hội để nhân dân yên tâm ở nhà cách ly.
Nên giảm 50% cho hóa đơn dưới 500 nghìn đồng/ tháng, 25% cho hóa đơn từ một triệu đồng/ tháng, và 10% cho hóa đơn trên một triệu đồng/ tháng. Như vậy mới là hỗ trợ tốt nhất cho người dân và ai cũng muốn tiết kiệm, không phung phí. Đặc biệt, những người dùng dưới 500 nghìn đồng/ tháng thường là người nghèo.
Giảm có 10% thì chẳng đáng bao nhiêu cả, trong khi các nước trên thế giới đã giảm nhiều cho dân, họ cũng giãn các khoản nợ ngân hàng. Dù biết là nước ta còn nghèo, nhưng nếu có thể giảm được 50% thì tốt vì đa số bây giờ mọi người ở nhà, không đi làm.
Đề nghị giảm 50% giá điện, lương tôi bị giảm một nửa, vợ tôi buôn bán tự do cũng phải nghỉ do dịch. Một mình tôi gồng gánh nuôi bốn miệng ăn, làm sao kham nổi?
Thực ra, đây không phải là giảm 10%, mà phải nói chính xác là giảm 10% cho những hóa đơn tiền điện có mức tiêu thụ dưới 300 kWh/ tháng. Cộng gộp lại cho toàn xã hội, sẽ là giảm dưới 10%. Hãy làm thống kê xem có bao nhiêu hộ dùng điện và bao nhiêu hộ tiêu thụ dưới 300kWh/ tháng?
Giá điện đã tăng mấy chục % trong 10 năm rồi, nay giảm 10% là quá ít. Nhu cầu xã hội tăng cao trong mùa dịch nên kiến nghị giảm 30% và miễn phí hoàn toàn cho bệnh viện, khu cách ly.
Lương người lao động công ty tôi sắp bị giảm về mức tối thiểu vùng thì giảm 10% giá điện chẳng thấm vào đâu. Sử dụng điện trung bình khoảng một triệu đồng, bớt được 100 nghìn đồng chẳng đáng gì. Đề nghị điện, nước giảm 30%, dự kiến trong ba tháng 3, 4, 5; ngân hàng giảm lãi suất từ 3%. Người lao động sắp phải vật lộn bữa ăn từng ngày.
"May mà có dịch" nên EVN mới có cơ hội được giảm giá điện bởi từ xưa nay giá điện chỉ có tăng mà có bao giờ giảm đâu? EVN nên giảm ở mức 17% và được áp dụng chung tất cho tất cả các đối tượng, chứ không thể lấy mức tiêu thụ điện để đánh giá họ nghèo hay khá giả được. Ngay nhà tôi đây, chưa bao giờ có nổi 20 triệu đồng trong nhà nhưng tháng nào cũng phải đóng gần hai triệu đồng tiền điện. Nên nếu tinh như EVN, chỉ giảm cho các hộ có mức tiêu thụ dưới 300 số thì tốt nhất đừng giảm làm gì vì chẳng có mấy ai được hưởng lợi. EVN nếu không nắm rõ mức tiêu thụ điện bình quân của các hộ nghèo thì nên làm cuộc khảo sát để được rõ hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.