Suy thận xảy ra khi thận mất chức năng, không còn khả năng lọc các chất thải và chất lỏng dư thừa trong cơ thể. Người bệnh suy thận khó duy trì được sự sống nếu không được điều trị thích hợp. Suy thận thường chỉ tạm thời và phát triển nhanh (cấp tính), đôi khi là tình trạng mạn tính (lâu dài) và ngày càng xấu hơn.
Theo PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, dựa vào cơ chế bệnh sinh, suy thận được chia thành suy thận cấp và bệnh thận mạn. Suy thận cấp gồm trước thận, tại thận, sau thận. Bệnh thận mạn chia thành 5 giai đoạn gồm 1, 2, 3 (a và b), 4, 5; riêng giai đoạn 5 còn gọi là suy thận mạn tính.
Suy thận cấp
Suy thận cấp trước thận: Xuất hiện khi lưu lượng máu đến thận không đủ, ảnh hưởng đến khả năng đào thải chất độc. Nguyên nhân của tình trạng này là do chấn thương, phẫu thuật hoặc các bệnh khác. Triệu chứng thường gặp gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, co giật, hôn mê... Suy thận cấp tính trước thận có thể chữa khỏi nếu bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân gây giảm lưu lượng máu đến thận.
Suy thận cấp tại thận: Có thể do chấn thương trực tiếp đến thận như va đập mạnh, tai nạn. Ngoài ra, bệnh cũng xảy ra khi thận phải lọc quá nhiều độc tố, thiếu máu cục bộ hay thiếu oxy đến thận. Trong đó, nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ bao gồm chảy máu nghiêm trọng, tắc nghẽn mạch máu thận, viêm cầu thận...
Suy thận cấp sau thận: Xảy ra khi tắc nghẽn dòng nước tiểu cấp tính do sỏi, khối u, cục máu đông, các dị tật bẩm sinh, chấn thương khi phẫu thuật, tắc nghẽn bàng quang, một số loại thuốc... Điều này làm tăng áp lực trong ống thận, làm giảm độ lọc cầu thận (GFR).
Ngoài ra, tắc nghẽn đường tiết niệu cấp tính có thể dẫn đến giảm lưu lượng máu qua thận, cộng thêm các quá trình viêm cũng góp phần làm giảm GFR. Tắc nghẽn đường tiểu có thể biểu hiện dưới dạng vô niệu (không có nước tiểu trong bàng quang), dòng nước tiểu ngắt quãng, tiểu đêm... Điều trị kịp thời các nguyên nhân trước thận hoặc sau thận thường giúp phục hồi chức năng nhanh chóng, nhưng nếu điều trị muộn có thể dẫn đến tổn thương thận.
Bệnh thận mạn
Bệnh thận tiến triển với tốc độ khác nhau ở những người khác nhau và có thể mất từ hai đến 5 năm để chuyển qua các giai đoạn khác nhau. Các giai đoạn bệnh thận được đo bằng cách xét nghiệm máu để kiểm tra mức lọc cầu thận ước tính (eGFR). Khi chức năng thận giảm, eGFR giảm; eGFR càng thấp cho thấy bệnh thận mạn càng tiến triển xấu hơn.
Bệnh thận mạn được chia thành 5 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Thận vẫn còn hoạt động tốt và ít có biểu hiện.
Giai đoạn 2: Thận vẫn còn tương đối khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, xét nghiệm chức năng thận ở giai đoạn này đã có thể phát hiện dấu hiệu tổn thương thận như có protein trong nước tiểu.
Giai đoạn 3: Xảy ra khi thận không còn hoạt động hiệu quả. Bệnh thận mạn giai đoạn 3 được chia thành hai giai đoạn 3A và 3B. Các triệu chứng có thể rõ ràng hơn như phù, đau lưng, đi tiểu thường xuyên, tiểu bọt nhiều, tiểu đêm... Các biến chứng thường phát triển ở giai đoạn này bao gồm huyết áp cao và thiếu máu.
Giai đoạn 4: Thận đã tổn thương nghiêm trọng, mức chất thải tiếp tục tăng trong cơ thể, có khả năng dẫn đến bệnh về xương. Người mắc bệnh thận ở giai đoạn 4 cần được đánh giá liên tục về tiến triển bệnh và chuẩn bị các phương án điều trị thay thế thận.
Giai đoạn 5: Còn gọi là suy thận mạn tính hoặc bệnh thận mạn giai đoạn cuối với các triệu chứng như khó thở, khó ngủ, chán ăn, chuột rút, ngứa... Phương pháp điều trị ở giai đoạn này là chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.
Theo bác sĩ Chuyên, bệnh thận mạn giai đoạn đầu khó xác định. Bác sĩ khuyên người có dấu hiệu tiểu ít, sưng phù tay chân, khó thở... nên đi khám thận sớm để hạn chế các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, bệnh tim mạch, tăng phốt phát máu, tăng kali máu, tích tụ nước trong cơ thể. Chất lượng cuộc sống, công việc, tinh thần người bệnh cũng chịu nhiều tác động.
Bác sĩ Chuyên cho biết suy thận và bệnh thận mạn không thể hồi phục. Tuy nhiên, người bệnh được chẩn đoán và điều trị thích hợp có thể sống lâu mà không có những thay đổi đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh nên có chế độ ăn thích hợp và thói quen sinh hoạt lành mạnh để làm chậm tiến triển của bệnh thận.
Cụ thể là kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và cao huyết áp (nếu có), tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc kê đơn, duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh. Giảm đường và muối, uống đủ nước, hạn chế bia rượu, không hút thuốc, kiểm soát căng thẳng, thường xuyên tập thể dục, thể thao cũng giúp phòng bệnh.
Thắng Vũ