Ông Kiên, ngụ Đồng Tháp, từng mổ mở điều trị sỏi thận hơn 20 năm trước, sẹo dài, mất nhiều tháng mới hồi phục. Một năm nay, bệnh tái phát khiến ông đau tức hông lưng phải dữ dội, thỉnh thoảng tiểu máu. Bác sĩ một bệnh viện chỉ định mổ mở vì sỏi quá lớn, nguy cơ tổn thương mạch máu thận, khả năng cắt thận cao, ông từ chối.
Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị. Ngày 26/9, ThS.BS Cao Vĩnh Duy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết thận phải của ông Kiên bị ứ nước độ hai do khối sỏi lớn, kích thước 7x6 cm. Nếu để lâu không điều trị, nguy cơ phát sinh một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng thận hay suy giảm chức năng thận.
Đánh giá vị trí, kích thước sỏi, vết mổ cũ, bác sĩ chỉ định nội soi tán sỏi qua da (PCNL), dự kiến hai lần tán mới sạch sỏi nhưng không cần mổ mở và cắt thận.
Êkíp phẫu thuật tạo "đường hầm" khoảng 1 cm trên lưng phải ông Kiên, đưa dụng cụ tán sỏi nội soi vào tiếp cận khối sỏi trong bể thận. Quan sát trên màn hình nội soi Karl Storz 3D/4K, êkíp dùng năng lượng laser phá vỡ sỏi thành các mảnh vụn nhỏ và hút ra ngoài.
Sau 1,5 tiếng bác sĩ tán sỏi, hệ thống chụp X-quang C-Arm xác nhận thận đã sạch sỏi. Ông Kiên không cần điều trị lần hai như dự kiến. Gần 24 giờ sau, ông có thể đi lại, ăn uống bình thường, xuất viện vào ngày tiếp theo.
Theo bác sĩ Duy, tùy tính chất, kích thước, sỏi thận có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp với mức độ xâm lấn khác nhau. Trước đây, trường hợp sỏi lớn như ông Kiên thường được mổ mở lấy sỏi. Hiện nay, người bệnh có nhiều lựa chọn ít xâm lấn và phục hồi nhanh hơn như tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích, nội soi tán sỏi ngược dòng, nội soi tán sỏi qua da.
Trong đó, nội soi tán sỏi qua da là phương pháp điều trị hiện đại, đảm bảo tán sạch sỏi, giảm nguy cơ tái phát, ít mất máu, ít phát sinh biến chứng nên người bệnh phục hồi nhanh, sớm xuất viện. Tuy nhiên, phương pháp này không dành cho tất cả người bệnh sỏi thận. Người bệnh cần được bác sĩ khám, đánh giá tình trạng sỏi và sức khỏe để đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Bác sĩ Cao Vĩnh Duy khuyến cáo người có dấu hiệu đau tức hông lưng, nhất là khi vận động, tiểu khó, tiểu máu... cần sớm đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời. Để lâu có thể phát sinh một số biến chứng nguy hiểm như ứ nước thận, viêm đài bể thận, nhiễm trùng máu, ứ mủ trong thận, nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần, tổn thương nhu mô thận, suy giảm chức năng thận...
Thắng Vũ
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |