Tinh hoàn bên phải của anh Nam bẩm sinh nằm trong ổ bụng không xuống được bìu như bình thường. Anh được bác sĩ phẫu thuật cắt phần bên phải, chỉ còn phần bên trái nên luôn tự ti, ít kết giao bạn bè.
"Tôi không dám nghĩ tới chuyện có bạn gái, nói gì đến lập gia đình", anh Nam chia sẻ hôm 27/1, khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tái khám.
Bác sĩ Phạm Xuân Long, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến phái mạnh không đủ hai bên tinh hoàn, trong đó có tinh hoàn ẩn. Đây là tình trạng bé trai sinh ra có một hay cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu hay nằm ở vị trí khác ngoài bìu. Tình trạng này cần được phát hiện sớm và điều trị cho trẻ trước 12 tháng tuổi. Tinh hoàn nằm trong ổ bụng, càng để lâu càng chịu nhiệt độ cao của cơ thể, rất khó phát triển, dẫn đến giảm số lượng tế bào mầm và xuất hiện xơ hóa quanh các ống sinh tinh. Trường hợp phát hiện trễ, có thể phát triển thành u ác tính. Hoặc, như anh Nam, điều trị muộn nên phải cắt bỏ hoàn toàn.
Các nguyên nhân khác là tinh hoàn teo nhỏ, viêm, xoắn, nhiễm trùng, hoại tử, ung thư, lạc chỗ hay chấn thương. Theo bác sĩ Long, nếu mất tinh hoàn một bên, bên còn lại phát triển và sinh tinh bình thường thì nam giới vẫn có thể có con. Tuy nhiên, không đủ hai tinh hoàn không chỉ ảnh hưởng về mặt giải phẫu mà còn cả tinh thần với phái mạnh.
Các trường hợp này có thể được điều trị bằng phương pháp đặt tinh hoàn nhân tạo, theo bác sĩ Long. Tinh hoàn nhân tạo không thể sản xuất tinh trùng, testosterone nhưng giúp nam giới cải thiện cảm giác ở bìu, bớt mặc cảm, tự tin hơn trong cuộc sống. Tinh hoàn nhân tạo được làm từ vật liệu được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận an toàn với cơ thể.
Vật liệu nhân tạo có dạng hình trứng, trong suốt, vỏ bằng silicon, bên trong rỗng, được bơm nước muối sinh lý làm đầy trước phẫu thuật. Tùy trường hợp, bác sĩ tư vấn chọn tinh hoàn nhân tạo có thể tích lớn hay nhỏ.
Anh Nam được bác sĩ chọn ngày mổ vào đầu tháng 1 để kịp đón Tết. Tinh hoàn còn lại của bệnh nhân kích thước khoảng 12 ml. Các bác sĩ quyết định dùng tinh hoàn nhân tạo thể tích 11 ml, kích thước 2,5x3,5 cm (tương đương với tinh hoàn thật) đặt vào túi bìu phải bệnh nhân.
Ca mổ kết thúc sau 30 phút. Một ngày sau phẫu thuật, anh ít đau. "Tôi sẵn sàng cho cuộc sống mới, mong duyên đến sớm", anh Nam nói khi xuất viện, thêm rằng mong năm mới có bạn gái để không còn sợ về quê bị hỏi khi nào cưới vợ.
Nhiều bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo thành công. Kỹ thuật này được thực hiện phổ biến trên thế giới. Theo bác sĩ Long, trên 35% ca đặt tinh hoàn nhân tạo là do tinh hoàn ẩn hoặc teo, 23% do ung thư tinh hoàn, còn lại là xoắn tinh hoàn và các nguyên nhân khác.
Bác sĩ Long khuyến cáo nam giới có nhu cầu phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo cần chọn bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép, có đội ngũ bác sĩ nam khoa tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, thực hiện đúng kỹ thuật, tránh biến chứng trong và sau mổ.
Thắng Vũ
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |