Theo bác sĩ Trương Hoài Lam - khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, thiếu máu cơ tim là một trong những bệnh tim mạch phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh có nhiều khả năng dẫn đến nhồi máu cơ tim, khiến cơ tim bị hoại tử và gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc nhận thức sớm về thiếu máu cục bộ cơ tim góp phần phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Thiếu máu cơ tim (còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim) là bệnh lý xảy ra khi tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm khiến cơ tim không nhận đủ lượng oxy cần thiết. Lưu lượng máu giảm thường là hậu quả của sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần động mạch vành tim. Tình trạng tim bị thiếu máu xảy ra thường xuyên nhất khi người bệnh hoạt động gắng sức hoặc phấn khích (thời điểm này tim yêu cầu lưu lượng máu lớn hơn).
Bác sĩ Trương Hoài Lam lưu ý, theo thời gian, cơ tim thiếu máu cục bộ có thể diễn tiến nặng, khi tim không nhận đủ lượng oxy cũng như dinh dưỡng cần thiết sẽ gây tổn thương cơ tim, làm suy giảm chức năng tim. Trong nhiều trường hợp bệnh nhân có thể đối mặt với các vấn đề như: loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim,...
Triệu chứng
Một số bệnh nhân khi bị thiếu máu cục bộ cơ tim không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Trong khi đó, triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lý này là đau ngực (đặc biệt là phần ngực trái). Ngoài ra, phụ nữ, người cao tuổi hoặc người mắc bệnh tiểu đường có thể xuất hiện các dấu hiệu bao gồm: nhịp tim nhanh; khó thở khi tập luyện, hoạt động thể chất; buồn nôn và ói mửa; đau cổ hoặc hàm; đau vai hoặc cánh tay; đổ mồ hôi; mệt mỏi...
Bác sĩ Trương Hoài Lam cho biết, trong một số trường hợp nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. Do đó, khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời: đau ngực dữ dội hoặc đau ngực dai dẳng không dứt; da bị sần sùi; buồn nôn hoặc nôn; thở nhanh, thở gấp; đau vai hoặc đau cánh tay.
Nguyên nhân
Tình trạng thiếu máu cơ tim xảy ra khi dòng máu di chuyển qua một hoặc nhiều động mạch vành bị suy giảm, cản trở. Trong đó, chức năng chính của các hồng cầu (có trong máu) là vận chuyển oxy nuôi các bộ phận khác trong cơ thể, bao gồm cả tim. Khi lượng máu đến tim bị giảm cũng đồng nghĩa với lượng oxy cung cấp cho tim bị giảm.
Thiếu máu cục bộ cơ tim có thể phát triển chậm theo thời gian do tình trạng động mạch bị tắc nghẽn hoặc cũng có thể xảy ra nhanh chóng đột ngột khi xuất hiện các cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch vành.
Theo Bác sĩ Trương Hoài Lam, một số nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ cơ tim bao gồm:
Bệnh xơ vữa động mạch: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh lý thiếu máu cục bộ cơ tim. Các mảng xơ vữa được tạo thành từ Cholesterol và tích tụ trên thành của động mạch gây cản trở sự lưu thông của máu.
Cục máu đông: Các mảng xơ vữa tích tụ trên thành của động mạnh có thể bị phá vỡ, tạo nên các cục máu đông. Những cục máu đông này di chuyển trong mạch máu khi gặp các đoạn hẹp có thể gây tắc mạch dẫn tới thiếu máu cục bộ cơ tim đột ngột và gây khởi phát các cơn nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân.
Co thắt động mạch vành: Khi các cơ của động mạch vành co thắt tạm thời sẽ làm suy giảm lưu lượng máu và ngăn chặn dòng chảy của máu cung cấp oxy đến cơ tim. Đây không phải là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng cơ tim bị thiếu máu.
Ngoài ra, còn có một số tác nhân có thể gây khởi phát cơn đau thắt ngực ở bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim, như: vận động gắng sức; căng thẳng; sử dụng chất có khả năng gây nghiện như cocaine; nhiệt độ quá lạnh...
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh thiếu máu cơ tim
Một số yếu tố dưới đây có thể làm gia tăng nguy cơ mắc thiếu máu cơ tim:
Hút thuốc lá: Nhiều nghiên cứu cho rằng việc hút thuốc lá thường xuyên làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông. Hút thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây xơ cứng thành động mạch dẫn tới tình trạng cơ tim bị thiếu máu.
Tăng huyết áp: Bệnh tăng huyết áp nếu không điều trị theo thời gian có thể dẫn tới xơ vữa động mạch và gây tổn thương các động mạch vành.
Đái tháo đường: Khi lớp nội mạch máu ở bệnh nhân đái tháo đường bị tổn thương sẽ tạo sự co mạch và sự kết dính của các tế bào tiểu cầu đã hình thành nên nhiều cục huyết khối trong lòng mạch làm tắc mạch cấp tính.
Béo phì: Tình trạng thừa cân, béo phì dễ dẫn tới tiểu đường, cao huyết áp và làm gia tăng nồng độ cholesterol trong máu.
Việc lười tập thể dục thể thao cũng làm tăng nguy cơ mắc béo phì và dễ dẫn tới cơ tim thiếu máu cục bộ.
Các biến chứng thiếu máu cơ tim
"Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim có thể gây nhồi máu cơ tim, biến chứng này có tỷ lệ tử vong cao nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời. Sự tắc nghẽn đột ngột của động mạch vành do huyết khối gây nên càng kéo dài thì tính mạng của người bệnh càng bị đe dọa", bác sĩ Trương Hoài Lam cho biết.
Bên cạnh đó, bác sĩ Trương Hoài Lam cũng nói thêm, bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim có thể để lại các biến chứng khác như: Suy tim; Arrhythmia (Rối loạn nhịp); đau thắt ngực mạn tính; hạn chế hoạt động thể lực
Như vậy, khi bị thiếu máu cục bộ cơ tim người bệnh cần đặc biệt lưu ý trong điều trị, kiểm soát và phòng ngừa. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh lý này hãy liên hệ tới cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời.
Lê Nguyễn