Nguyên nhân tóc bạc sớm chủ yếu do di truyền nhưng chế độ ăn uống cũng có thể góp phần. Một số vitamin và khoáng chất có vai trò thúc đẩy nang tóc sản xuất các sắc tố (melanin) để giữ được màu sắc tự nhiên. Thiếu hụt những chất dinh dưỡng này có khả năng khiến tóc bạc.
Đồng
Thiếu đồng có thể cản trở sản xuất năng lượng cung cấp cho cơ thể, ảnh hưởng đến tế bào máu cùng các mô liên kết. Khoáng chất này cũng giúp cơ thể chuyển hóa sắt và tạo ra các tế bào máu mới. Đồng cũng đóng vai trò trong việc sản xuất melanin nên thiếu hụt làm gián đoạn các quá trình này, gây ra tóc bạc sớm. Đồng có nhiều trong đậu phộng, hạnh nhân, đậu lăng, gan bò, thịt cua và nấm trắng.
Vitamin B12
Tóc bạc khi còn trẻ cũng có thể là dấu hiệu thiếu vitamin B12. Do vitamin này cung cấp năng lượng, góp phần giúp tóc phát triển, duy trì màu sắc tự nhiên. Cơ thể cần vitamin B12 để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, mang oxy đến các tế bào, bao gồm cả tế bào tóc. Tình trạng thiếu hụt có thể làm suy yếu các tế bào tóc và ảnh hưởng đến sản xuất melanin. Ăn thực phẩm như thịt, các sản phẩm từ sữa hay ngũ cốc tăng cường để bổ sung lượng vitamin này cho cơ thể.
Sắt
Người có lượng sắt thấp cũng dễ bạc tóc sớm. Sắt là khoáng chất thiết yếu giúp tạo ra huyết sắc tố trong tế bào máu. Huyết sắc tố chịu trách nhiệm vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Sắt có nhiều trong thịt, các loại đậu, rau lá xanh. Ăn các món này cùng với thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, ổi, bưởi thúc đẩy cơ thể hấp thụ nhiều chất sắt hơn.
Chất đạm
Protein được tạo thành từ các axit amin, tham gia vào quá trình tổng hợp keratin. Đây là loại protein có trong tế bào bề mặt tóc. Protein keratin bị phân hủy trong nang tóc có thể dẫn đến rụng, thay đổi sắc tố cùng nhiều vấn đề khác. Nó cũng giúp duy trì mái tóc dày, bóng mượt khỏe mạnh, tác động đến sức khỏe tổng thể của tóc. Bổ sung đầy đủ protein trong chế độ ăn uống cung cấp axit amin để tổng hợp thành keratin cho mái tóc.
Vitamin B5
Vitamin B5 (axit pantothenic) hỗ trợ quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu, thúc đẩy nang tóc khỏe mạnh. Nạp đủ vitamin B5 từ cá, gan bò và sữa chua để đảm bảo cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng hợp lý.
Vitamin B6
Đây là vitamin rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất cũng như khả năng miễn dịch. Người không nhận đủ vitamin B6 có thể xuất hiện các triệu chứng như khô tóc, nứt môi và mệt mỏi. Vitamin B6 có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm cá, thịt gia cầm, khoai tây...
Vitamin B9
Vitamin B9 (folate hoặc axit folic) giúp cơ thể chuyển hóa axit amin, tham gia vào chức năng trao đổi chất và DNA. Người bị thiếu hụt vitamin này có thể bị thay đổi sắc tố tóc, da và móng. Thêm đậu, măng tây, rau lá xanh và trái cây họ cam quýt vào chế độ ăn uống để tăng lượng folate.
Vitamin D
Dưỡng chất này tham gia vào cấu tạo xương, tăng hấp thụ canxi hiệu quả hơn. Thiếu vitamin D cũng có liên quan đến tóc chuyển màu bạc sớm. Do vitamin D cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất melanin trong nang lông. Cơ thể sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng vào sáng sớm hoặc nó cũng có trong trứng, cá béo, nấm...
Kẽm
Kẽm là khoáng chất chịu trách nhiệm bảo vệ tế bào và DNA khỏi tác nhân gây hại. Nó cũng giúp cơ thể tạo ra protein nên thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tóc. Khoáng chất này có nhiều trong các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, thịt đỏ và hàu.
Xét nghiệm vi chất có thể xác định tình trạng thiếu hụt dưỡng chất. Người có nguy cơ không nhận đủ các chất dinh dưỡng trên trong chế độ ăn uống nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và bổ sung phù hợp.
Bảo Bảo (Theo Everyday Health, Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |