(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Những ngày qua, tôi liên tiếp nhận được những câu hỏi từ phụ huynh có con em đang học lớp 12 và bạn bè là giáo viên phổ thông đang chuẩn bị tham gia công tác coi thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Tất cả đều bày tỏ nỗi lo lắng về sự an toàn nếu kỳ thi này vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo, tức sau khoảng 10 ngày nữa. Sự lo lắng này, theo tôi, là chính đáng.
Dịch đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được dấu F0, tình hình phức tạp hơn, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh Covid- 19 trong cộng đồng đang rất nguy cấp, phức tạp, nhất là ở các thành phố lớn như: Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội...
Trên thực tế, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", một số địa phương tuy không có ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng vẫn lên phương án giãn cách xã hội và cấm tụ tập nơi đông người nhằm chủ động phòng chống. Hay như khi Đà Nẵng vừa công bố có các ca lây nhiễm trong cộng đồng trở lại, ban tổ chức giải bóng đá vô địch quốc gia V–Leugue 2020 đã ngay lập tức cho tạm dừng giải đấu để đảm bảo an toàn cho khán giả và các cầu thủ.
Trong bối cảnh và tình hình như vậy, tôi cho rằng đã đến lúc cần nghĩ đến tình huống xấu nhất là hoãn kỳ thi năm nay để cùng chung tay với cả nước phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Có mấy lý do cần phải xét đến như sau:
Thứ nhất, để tổ chức thành công kỳ thi chúng ta phải huy động rất nhiều nhân sự ở ban ngành khác nhau như: y tế, an ninh, giao thông... Riêng ngành giáo dục, với gần một triệu thí sinh cùng hàng trăm thầy cô giáo, lãnh đạo địa phương cùng tham gia vào tất cả các khâu cụ thể của kỳ thi. Đó là chưa kể tới lực lượng phụ huynh đưa đón con em mình trong suốt mùa thi bên ngoài cổng trường... Thế nên, dù công tác chuẩn bị có cẩn trọng và chi ly đến mức nào, với ngần ấy con người tập trung trong một không gian nhất định, làm sao tránh khỏi những va chạm, tiếp xúc ở khoảng cách tối thiểu hai mét?
>> Năm dấu hỏi về thi tốt nghiệp THPT mùa Covid-19
Thứ hai, tuy đã có những hướng dẫn về việc phân loại thí sinh thành bốn nhóm: F0, F1, F2 và các thí sinh ngoài ba nhóm trên để đảm bảo an toàn, nhưng cần thấy rằng để làm được việc này, rất cần đến đội ngũ y tế thật sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm để xử lý. Trong khi đó, lực lượng này đang phải tập trung chăm lo cho các bệnh nhân ở các bệnh viện (kể cả bệnh viện dã chiến) nên nếu phải chi viện sang để phối hợp với ngành giáo dục lo cho kỳ thi thì càng mỏng hơn nữa. Ngoài ra, chiếc khẩu trang chỉ có tác dụng hạn chế lây lan ở mức thấp nhất nếu được đeo đúng quy cách chứ không phải là giải pháp tối ưu để phòng dịch.
Thứ ba, chúng ta buộc phải chuẩn bị tâm lý cho những tình huống xấu nhất trong kỳ thi. Vậy thì, hãy hình dung xem nếu như có một thí sinh hoặc cán bộ tham gia coi thi nào đó bị nhiễm bệnh hay có dấu hiệu nhiễm bệnh thì sẽ như thế nào? Về mặt tâm lý, rõ ràng rất khó để cho các em học sinh khác bình tĩnh tập trung làm bài. Các thầy cô giáo làm nhiệm vụ coi thi cũng khó làm việc với tinh thần và tâm trạng tốt nhất. Và đương nhiên, nếu có một trong số thi sinh hoặc cán bộ làm công tác coi thi nhiễm bệnh thì theo quy định chúng ta buộc phải cách ly ngay lập tức những cá nhân tiếp xúc trực và gián tiếp.
Thứ tư, thời gian qua đã có rất nhiều trường đại học tuyển sinh bằng cách xét học bạ của ba năm học phổ thông của các em học sinh. Vậy nên, nếu hủy kỳ thi và giao quyền xét tốt nghiệp lại cho các sở giáo dục địa phương thì cũng không ảnh hưởng hay xáo trộn gì lắm đến công tác tuyển sinh của các trường đại học, nhất là trong bối cảnh bất thường này.
Cuối cùng, 99 ngày trước, chúng ta đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng. Đó là thành quả không thể phủ nhận. Tuy vậy, xét ở góc độ kinh tế, sau đợt dịch vừa qua cả nước có khoảng 30 triệu người, tức tương đương 1/3 dân số cả nước, bị ảnh hưởng về thu nhập và công ăn việc làm. Một kỳ thi chưa tổ chức chúng ta cũng đã biết kết quả trên 90% đậu tốt nghiệp thì hà cớ gì phải mất cả ngàn tỷ để tổ chức? Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế mà bỏ ra số tiền lớn như vậy để làm cái việc ai cũng biết trước kết quả thì có lãng phí không?
>> Áp lực chia nhóm thi tốt nghiệp THPT
Học hành, thi cử nói cho cùng là chuyện cả đời, còn sinh mạng con người, sức khỏe cộng đồng hay tầm nhìn lâu dài về bài toán kinh tế quốc gia trong bối cảnh hiện nay mới là vấn đề quan trọng và đáng lo nhất. Một kỳ thi phải huy động rất nhiều ban ngành, với hàng ngàn người và gần một triệu học sinh trong bối cảnh dịch bệnh đang chuyển biến rất phức tạp, nếu phải tổ chức trước hết đã không phù hợp với các quy định về giãn cách xã hội, nhất là không được tụ tập đông người.
Với kinh nghiệm phòng chống dịch thời gian qua, với tinh thần Việt Nam, tôi có niềm tin, chúng ta sẽ một lần kiểm soát và vượt qua đại dịch nguy hiểm này. Với tình hình phức tạp như hiện nay, nếu cứng nhắc rồi vô tình làm cho dịch bệnh lan rộng ra khắp cả nước thì sau này chúng ta có hối cũng không kịp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.