Tranh luận xung quanh hai phương án thi THPT quốc gia vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ, nhiều độc giả VnExpress đồng tình với hướng bỏ hẳn kỳ thi và chuyển sang xét tốt nghiệp:
Nên xét tốt nghiệp cấp 2, 3 trong bối cảnh dạy và học hiện nay (học online ai cũng biết là hiệu quả kém nhiều so với học truyền thống).
- Thi tốt nghiệp THPT: lấy kết quả học lớp 11 và 12 để xét.
- Với đại học, chỉ cần thi tổ hợp của chuyên ngành mà các em chọn. Việc các trường đại học tổ chức thi riêng với các môn không liên quan đến chuyên ngành các em lựa chọn như có trường dự kiến làm là đi ngược lại xu hướng giảm tải, không cần thiết cho đào tạo nghề. Các em học sinh sẽ phải dự thi tới 2-3 lần nếu vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký dự thi vào các trường có tổ chức thi riêng.
Nếu dịch bệnh vừa mới được kiểm soát, việc tập trung thi tốt nghiệp phải tính toán kỹ để tránh tập trung đông người, di chuyển địa bàn... làm phát sinh nguy cơ bùng dịch. Tốt nhất là xét kết quả 2,5 năm học cấp 3, hoặc thêm bốn năm cấp 2 rồi công nhận tốt nghiệp. Các trường đại học cũng xét tuyển trên cơ sở như vậy. Thiếu một học kỳ cũng không ảnh hưởng gì đến cả cuộc đời con người. Nếu như có trường hợp điểm ảo thì vào đại học cũng bị sa sút và tự đào thải.
Theo quan điểm cá nhân tôi, nên xem xét phương án sau:
1. Bỏ qua học kỳ II của năm học 2019-2020;
2. Cho phép toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 được lên lớp;
3. Riêng khối 12 tập trung điều chỉnh môn thi, nội dung thi cho phù hợp với kiến thức do bỏ qua học kỳ II;
4. Tập trung điều chỉnh thời gian, nội dung học của năm học 2021-2022 để vừa học kiến thức lớp trên, vừa học bù (một số kiến thức cơ bản, bắt buộc) trong học kỳ II của lớp dưới.
5. Thay vì mất thời gian chờ và quyết định bao giờ học sinh đi học trở lại (mà có học lại chắc cũng không đủ thời gian, trong khi học online không phải ai cũng học được), nên tập trung vào việc điều chỉnh nội dung, lịch học cho năm sau. Vì nội dung học phổ thông của học sinh Việt Nam có thể nói là rất nặng, đôi khi thừa thãi, có thể cắt giảm ngắn hạn cho riêng khoá này.
Theo tôi, sau khi đi học lại, các em vẫn được học, ôn tập, thực hiện bài tập về nhà và thực hiện các bài kiểm tra, lấy điểm làm cơ sở cho năm cuối cấp. Về tốt nghiệp cuối cấp, tôi cho rằng nên lấy điểm học tập bình quân (có hệ số) của các năm trong cấp học. Ví dụ, điểm năm lớp 10 hệ số 1.0 (1.2), năm lớp 11 (1.3) và năm 12 (1.5) chẳng hạn.
Nói đến dạy online cho các em học sinh, đây chỉ là việc chúng ta cố gắng bù đắp trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19, chứ các em thu hoạch kết quả không được bao nhiêu, vì bản chất người học online phải hết sức chủ động mới mang lại kết quả. Nói cách khác, dạy online là cách người lớn chúng ta đối phó với dịch, nếu tổ chức thi tốt nghiệp có thể gây áp lực tâm lý về thời gian, về tổ chức rất lớn, kinh phí lớn và sẽ không hiệu quả. Nhưng nếu nhà trường và thầy cô tổ chức ôn tập, làm bài tập, thực hiện các bài kiểm tra nghiêm túc sẽ mang lại hiệu quả kiến thức nhiều hơn cho các em, cũng không phải tổ chức rầm rộ và tốn kém. Mong những nhà giáo cân nhắc và có kiến nghị.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8. Còn nếu học sinh không thể đi học trở lại thì nên bỏ kỳ thi THPT, giao cho các trường đại học tự chủ trong các khâu tuyển sinh đảm bảo phù hợp với từng trường.
>> Bỏ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học - 'lối thoát' mùa dịch
Trong khi đó, không ít ý kiến lại ủng hộ phương án tổ chức thi với lý do đây là cách chính xác nhất để đánh giá năng lực của học sinh:
Dù có khó thế nào, nếu không tổ chức thi thì cũng phải có ít nhất là một bài khảo sát đánh giá, nếu để việc chỉ xét tuyển thì quá bất công. Ngay như khối tiểu học lên THCS, mới xét tuyển có vài năm mà chất lượng đã giảm sút rất nhiều, học sinh không còn đồng đều nữa. Theo tôi, nên tổ chức thi theo dạng "học đến đâu thi đến đó", tránh việc bỏ kỳ thi, ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của học sinh. Nếu xét tuyển học bạ thì các học sinh kém vẫn có thể vào trường giỏi nhờ tình trạng nâng điểm còn xảy ra ở nhiều nơi, gây mất công bằng. Đến việc tổ chức thi còn có thể xuất hiện lỗ hổng sai sót như vụ việc ở Hà Giang, Sơn La thì nói gì đến chuyện xét tuyển, lúc đó sẽ cực kỳ tiêu cực và mất công bằng.
Chỉ có thi là phương án hợp lý cho các em học sinh (tất nhiên là tính đến phương án một vài tuần không học được), vì như thế đảm bảo công bằng tương đối cho xã hội, chi phí cho xã hội ở khâu tuyển sinh đại học cũng thấp và cũng tương đối chấp nhận được. Nếu giờ không thi chung, chúng ta lại quay ngược bánh xe lịch sử về 12 năm trước, mỗi trường ra một đề tuyển sinh, lúc đó chi phí và áp lực cho xã hội là rất lớn. Điểm học cũng chưa đủ sự tin cậy và cùng một chuẩn để có thể chấp nhận được để xét tuyển đại học hoặc cấp bằng tốt nghiệp loại gì cho học sinh.
Cầu mong dịch Covid-19 qua nhanh, học sinh mau chóng trở lại trường học và kỳ thi THPT vẫn diễn ra bình thường. Đây là một kỳ thi rất quan trọng và ảnh hưởng tới tương lai của hàng trăm nghìn học sinh. Nếu chỉ lấy điểm trung bình chưa chắc đã đánh giá đúng được năng lực học sinh (vì điểm số trên học bạ thường khá tiêu cực, học sinh yếu kém mà được chép bài kiểm tra 15 phút, 45 phút vẫn được học lực khá, giỏi). Việc xét tuyển sẽ là rất thiệt thòi cho học sinh thực sự có năng lực, cho những học sinh đã nỗ lực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT.
Các trường đại học top đầu cũng sẽ không tuyển được sinh viên chất lượng qua việc xét mỗi học bạ, nên khả năng cao sẽ tự tổ chức thi chọn riêng. Vậy thì chi bằng cứ tiếp tục kỳ thi THPT như bình thường chẳng phải tốt hơn sao? Kỳ thi có thể bị lùi rất muộn đến khi dịch được hoàn toàn kiểm soát, nhưng tuyệt đối không nên bỏ hẳn.
Tôi thấy nhiều người cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp vì trên thực tế tỷ lệ đỗ là trên 90%. Tuy nhiên, để đạt kết quả 90% ấy là do các em sợ mình không đỗ nên phải học và do vậy kiến thức của các em cũng tăng lên. Nếu bỏ thi thì chắc khó ép các em học và con số 90% kia sẽ là không tưởng, tức là kiến thức của các em sẽ giảm đi rất nhiều.
Rất nhiều cháu khi vào lớp 10 đã quyết tâm theo đuổi nghề y, bây giờ không thi theo khối thi để xét tuyển đại học thì sẽ bỏ sót nhân tài. Theo tôi, Sở GĐ&ĐT công nhận tốt nghiệp tùy theo thời gian của từng tỉnh sắp xếp, thi THPT vẫn phải tổ chức nhưng các em chỉ thi theo khối thi để xét tuyển đại học.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.