(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục. Học sinh ở trên 150 quốc gia phải nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh.
Nhiều nước đã phải tạm dừng, không tổ chức các kỳ thi quan trọng. Chẳng hạn như Pháp đã buộc phải hủy kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 6, sử dụng điểm trong quá trình học tập để xét tuyển vào đại học. Anh cũng đã cho hủy kỳ thi cấp chứng chỉ General Certificate of Secondary Education (Chứng chỉ giáo dục THPT) và A-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao), giao cho giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh và làm căn cứ để xét tuyển vào các bậc học cao hơn. Ấn Độ, Indonesia và nhiều quốc gia khác cũng đã cho hủy các kỳ thi tốt nghiệp từ tiểu học cho đến trung học phổ thông do đại dịch Covid-19.
Ở Việt Nam, học sinh hầu hết đã nghỉ học từ đầu tháng 2 đến nay, có nơi học sinh nghỉ từ Tết, có địa phương cho học sinh THPT đi học trong 2-3 tuần của tháng 3. Ngành giáo dục đã triển khai nhiều biện pháp như dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để giúp học sinh tiếp thu kiến thức khi phải nghỉ học vì dịch bệnh, theo phương châm "học sinh không đến trường nhưng không nghỉ học", tiếp tục thực hiện chương trình học kỳ II. Mặc dù đạt được những hiệu quả bước đầu, các bài giảng đều ngắn gọn, dễ hiểu, song việc này còn tồn tại nhiều hạn chế như ít có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong việc dạy và học, nhiều gia đình (nhất là ở vùng sâu, vùng xa) không có điều kiện để thực hiện học từ xa.
Là phụ huynh của hai con, tôi ủng hộ việc cho các con học từ xa, tự học tại nhà trong mùa dịch này. Nhưng tôi cũng đồng cảm với nhiều gia đình khó khăn khi không có điều kiện về điện lưới hay Internet. Việc dạy học từ xa phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cũng như điều kiện học tập của mỗi học sinh và đương nhiên hiệu quả sẽ không thể bằng việc học trực tiếp trên lớp. Hơn nữa, thời gian nghỉ học ở trường của các con đã quá dài (phần lớn học kỳ II), chưa biết khi nào trở lại do phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh.
>> 'Xét tuyển tốt nghiệp để hoàn thành năm học mùa dịch'
Ngành giáo dục dường như vẫn muốn hoàn thành đầy đủ năm học và tổ chức thi tuyển sinh vào 10, thi THPT quốc gia. Bất cập là ở chỗ, các kỳ thi trên sẽ đánh giá một cách khách quan năng lực học sinh theo một chuẩn chung thống nhất. Hơn nữa, Luật Giáo dục lại quy định phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường đại học (đối với học sinh cấp 3) và trường THPT chuyên (với học sinh cấp 2) sẽ căn cứ vào đâu để tuyển sinh? Bài toán lúc này được đặt ra là có nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay không? Có nên để các trường tự chủ tuyển sinh riêng trong năm nay không? Làm thế nào để đảm bảo chất lượng đầu vào trong năm học tiếp theo?
Theo tôi, dẫu rằng rất khó khăn, nhưng khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, học sinh nghỉ học kéo dài, nhiều nước cũng đã quyết định bỏ thi tốt nghiệp, và xét tuyển đại học, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên mạnh dạn lên phương án trình Quốc hội, Chính phủ về việc không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tổ chức xét tốt nghiệp THPT và giao về các địa phương. Đồng thời, ngành Giáo dục nên cho kết thúc năm học ngay tại thời điểm này và sử dụng kết quả học kỳ I làm kết quả chính thức của năm học 2019-2020.
Về công tác tuyển sinh, đối với các trường THPT chuyên, không tổ chức thi tập trung tại cơ sở chính của nhà trường mà cho thi tại trường mà học sinh đang học (đảm bảo yêu cầu phòng dịch) hoặc thi trực tuyến tại nhà (camera đủ lớn để giám sát việc làm bài của học sinh tại nhà). Với các trường THPT còn lại, tổ chức xét tuyển bằng học bạ và theo địa giới hành chính của địa phương nơi trường đóng. Đối với các trường đại học, năm nay cũng nên mạnh dạn xét tuyển bằng học bạ năm học kỳ và đưa ra các tiêu chí để xét tuyển hoặc tổ chức thi trực tuyến tại nhà.
Khi bắt đầu năm học mới (căn cứ tình hình dịch, có thể cho học sinh trở lại trường sớm vào cuối tháng 7, đầu tháng 8), các nhà trường phổ thông dành một tháng (hoặc có thể cho đi học vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 như các năm và sắp xếp, tổ chức lại phân phối chương trình của ngành, bãi bỏ các tiết tự chọn của năm học) để có thời gian ôn tập, dạy bổ sung và khắc sâu những kiến thức của học kỳ II năm học 2019-2020. Những kiến thức này học sinh đã học trên truyền hình, học trực tuyến, cũng như các phần kiến thức quan trọng nhưng buộc phải tinh giản do dịch bệnh. Với các trường đại học, nên dành tháng đầu tiên của năm học để dạy bổ sung, khắc sâu lại kiến thức học kỳ II lớp 12, sau đó tổ chức sát hạch, sàng lọc để lựa chọn ra những em giỏi và có năng lực tốt hơn vào học các lớp chất lượng cao của trường.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng quá nhiều đến năm học. Tôi hy vọng, ngành giáo dục sẽ vượt qua những khó khăn này và đưa ra phương án hợp lý nhất, để các phụ huynh chúng tôi an tâm, tiếp tục tin tưởng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Đặng Nhật Trung