(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến phân loại thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020 theo bốn nhóm là F0, F1, F2 và thí sinh khác để phòng tránh Covid-19. Cụ thể, nhóm thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi) sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp; nhóm F1 (phải cách ly tại khu cách ly tập trung) sẽ thi tại điểm thi đặt trong khu cách ly hoặc khu vực phù hợp lân cận; nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1), sẽ được tổ chức thi tại phòng thi dự phòng hoặc một điểm thi riêng; trường hợp còn lại, học sinh thi tại điểm thi bình thường.
Tuy nhiên, cách chia nhóm thí sinh này cũng kéo theo nhiều phức tạp trong khâu tổ chức:
Thứ nhất, việc phân loại sao cho chính xác, hợp lý ở từng khu vực. Điều này phụ thuộc vào nguồn nhân lực của từng địa phương cùng sự chủ động phối hợp từ phía người dân. Tuy nhiên, ngay cả khi đảm bảo được việc phân loại chính xác, thời gian và công sức bỏ ra cho công tác này cũng sẽ là không nhỏ.
Thứ hai, công tác phân công coi thi cũng là một vấn đề nan giải. Khi đã có sự chia tách các nhóm từ F0 đến thí sinh bình thường, chắc chắn sẽ có sự e dè đến từ đội ngũ cán bộ coi thi. Ai sẽ dám trông tại các điểm thi có thí sinh mặc Covid-19 hoặc nguy cơ lây nhiễm cao? Và biện pháp nào để đảm bảo an toàn cho họ khi phải tiếp xúc gần với các nhóm này? Đó sẽ là một câu hỏi cần phải giải quyết thấu đáo.
Thứ ba, việc xáo trộn trong tổ chức thi khi phải phân loại thí sinh chắc chắn sẽ kéo theo tâm lý bất an của các thí sinh. Thay vì tập trung ôn thi, các em sẽ bị phân tâm, lo lắng không biết mình bị xếp vào nhóm nào, không biết mình có gặp nguy hiểm không...? Tâm lý mặc cảm và sợ hãi đương nhiên không thể tránh khỏi ở cả học sinh và phụ huynh. Những sự phân tán tư tưởng ấy sẽ khiến chất lượng bài thi của các em bị giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội vào đại học sau này.
Thứ tư, việc tập trung các học sinh vào thời điểm này cũng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Những biện pháp như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đồ dùng phòng thi hay đo thân nhiệt chắc chắn không thể đảm bảo 100% sự an toàn cho các thí sinh dự thi. Nếu rủi ro xảy ra, không cần nói chúng ta cũng có thể hình dung ra hậu quả sẽ lớn đến mức nào.
Và cuối cùng, khi các nhóm thí sinh được tổ chức thi tại các điểm khác nhau, với điều kiện trông thi khác nhau, đường nhiên dấu hỏi về sự công bằng, minh bạch sẽ bị đặt ra. Khi ấy, liệu chúng ta có thể đảm báo kết quả cuối cùng phản ánh đúng chất lượng của các thí sinh? Vào đầu vào của các trường đại học, cao đẳng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
>> Bỏ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học - 'lối thoát' mùa dịch
Mới đây, lãnh đạo Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ cho dừng thi, xét đặt cách tốt nghiệp THPT ở địa phương do Covid-19 bùng phát. Nếu kiến nghị này được chấp thuận, chắc chắn sẽ còn gây nên nhiều bất cập nữa khi tạo ra sự thiếu công bằng giữa các địa phương gây khó cho chính những trường đại học, cao đẳng trong việc tuyển sinh sau này.
Khi mà rất nhiều nghi ngại được đặt ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, câu hỏi dành cho những người làm giáo dục là liệu có nên tổ chức kỳ thi vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước không? Thành tích và tiến độ giáo dục là rất quan trọng, nhưng nó có thực sự xứng đáng để đánh đổi cho sự an toàn của các em học sinh?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ diễn ra từ 8-10/8 với 900.000 thí sinh dự thi, tức lùi một tháng rưỡi so với thường lệ do tác động dịch Covid-19. Trước đó ngày 27/7, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng kế hoạch, kể cả vùng dịch Đà Nẵng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.