Thầy giáo Tạ Quang Sum, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, Khánh Hòa, chia sẻ ý kiến về việc cách kết thúc năm học trong mùa dịch. Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Cuộc chiến phòng và chống Covid-19 đang ở vào giai đoạn quyết liệt, an nguy của đất nước tùy thuộc vào con số người nhiễm và được chữa khỏi từng ngày. "Giãn cách xã hội" đang là giải pháp khả thi cao nhất để cả nước kiểm soát được sự lây lan và từng bước thoát khỏi tai ách đại dịch.
Trong tình hình hiện nay, hầu như toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội đều ngưng trệ, trong đó giáo dục chịu ảnh hưởng rất đậm khi tất cả trường học phải đóng cửa. Theo lịch năm học, vào giữa tháng tư, các trường sẽ có bước tiến hành việc kiểm tra các môn học ở học kỳ II, tiếp theo sẽ là sơ kết học kỳ và tổng kết năm học, để vào khoảng giữa tháng năm lần lượt các trường bế giảng, chuẩn bị cho các kỳ thi tiếp theo của quốc gia và địa phương.
Những ngày vừa qua, khá nhiều chuyên gia giáo dục đã dành nhiều quan tâm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhiều ý kiến xoay quanh việc nên hay không nên bỏ kỳ thi này? Có lẽ đã đến lúc Bộ giáo dục vào cuộc với nhiều chiến thuật phục vụ cho chiến lược cả gói, vì thời gian không còn nhiều mà việc phòng chống dịch vẫn rất gian nan. Dù sao thì vẫn chưa dễ dàng tập trung hàng triệu học sinh đến trường và hàng nghìn con người trên cả nước vào cùng một thời điểm, để tham dự và phục vụ tại các hội đồng thi.
>> 'Lùi đến tháng 8 - nên bỏ thi tốt nghiệp THPT'
Theo tôi, nếu đến giữa tháng năm mà Việt Nam vẫn chưa an toàn để tập trung học sinh đến lớp thì nên công bố kết thúc năm học 2019-2020, lấy kết quả học kỳ I để xét tuyển học sinh lên lớp trên. Năm học 2020-2021 bắt đầu từ tháng chín, nhưng tùy thuộc diễn biến kết quả khống chế dịch bệnh trên cả nước và từng vùng, có thể cho phép học sinh đến lớp từ tháng bảy hoặc tháng tám để bổ sung phần kiến thức bị thiếu. Nội dung bổ sung do Bộ Giáo dục cắt gọn, ban hành toàn quốc để cung ứng cho học sinh đủ phần kiến thức căn bản tiếp quản chương trình năm học mới.
Không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhưng chúng ta cần vận dụng hoàn cảnh dịch họa để thay đổi cách tổ chức. Xét tuyển tốt nghiệp trên cơ sở kết quả học kỳ I năm học 2019-2020, dùng kết quả năm học các lớp 10 và lớp 11 để xếp hạng tốt nghiệp. Bằng tốt nghiệp năm 2020 có giá trị tương đương các năm trước. Việc xét tuyển vào lớp 6 dựa trên cơ sở kết quả bậc tiểu học. Việc thi tuyển vào lớp 10 dựa vào kết quả học kỳ I lớp 9 và các lớp 6, 7, 8 chuẩn hóa thành điểm. Các trường THCS sẽ công khai việc bình xét và chuyển kết quả cho bộ phận quản lý dọc và cá nhân học sinh. Tùy theo đặc điểm của mỗi trường THPT và địa bàn dân cư mà sở Giáo dục & Đào tạo sẽ trình UBND tỉnh xem xét định chuẩn điểm tuyển cho mỗi trường. Sau khi công bố thì mỗi học sinh sẽ đối chiếu kết quả để nộp đơn dự tuyển.
>> 'Nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia vì Covid-19'
Việc tuyển sinh vào các trường Trung cấp nghề, Cao đẳng, Đại học nên giao cho đơn vị tiếp nhận chủ động xét tuyển hoặc thi tuyển. Nếu xét tuyển thì dựa vào kết quả trên học bạ (lớp 12 chỉ có kết quả học kỳ I). Nếu thi tuyển vào các trường trọng điểm quốc gia thì từng trường sẽ công bố phạm vi kiến thức đề học sinh tự chuẩn bị ôn luyện. Thời điểm thi thích hợp với tình hình phòng chống dịch. Năm mới sẽ có thêm thời gian bổ sung kiến thức còn thiếu của sinh viên mới nhập học.
Sinh viên các năm đang theo học sẽ được xem xét kết quả đã học, đủ điều kiện thì cho tiếp tục lên học năm học tiếp theo, cho nợ tín chỉ trả vào các năm sau. Sinh viên năm cuối sẽ chậm thời điểm tốt nghiệp, tham dự các lớp học online, chuẩn bị dự thi tốt nghiệp vào thời điểm thích hợp trong năm 2020. Như vậy, về chiến lược vẫn bảo đảm vận hành năm học cũ và mới theo đúng lịch trình. Về chiến thuật, chúng ta cần chủ động, linh hoạt ứng phó với diễn biến của dịch và kết quả phòng chống dịch.
Tất nhiên, sự thiệt hại về nhiều mặt của ngành giáo dục là rất lớn, bao gồm sự nghiệp giáo dục và kinh tế của rất nhiều đơn vị trực thuộc và phụ thuộc. Nhưng có lẽ một khi chưa có thuốc đặc trị và vaccine chủng ngừa Covid-19, thì cuộc chiến này còn dài lâu, hạn chế thiệt hại mọi mặt cho toàn xã hội là lựa chọn tốt nhất.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.