"Sau bao năm, cuối cùng tôi cũng được nghe tiếng tim thai", chị Thanh, 37 tuổi, vợ anh Long, nói hôm 2/1.
Đôi vợ chồng ở Đồng Nai đều mắc các bệnh lý gây khó có con tự nhiên. Anh Long có nồng độ tinh trùng ít, độ di động kém, tỷ lệ tinh trùng dị dạng 60%. Chị Thanh chỉ số dự trữ buồng trứng thấp, AMH chỉ còn 1.4 (phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dưới 38 tuổi có chỉ số AMH trung bình 2-6.8ng/ml). Họ từng thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhưng hai lần chuyển phôi thất bại vì lấy được rất ít trứng và tinh trùng, tạo được ít phôi.
Tháng 11/2023, vợ chồng tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM). BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm, tư vấn hai người thay đổi lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe tổng thể cũng như chất lượng trứng và tinh trùng trước khi thụ tinh ống nghiệm.
"Lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hormone, sản xuất tinh dịch, số lượng trứng, chất lượng trứng, chất lượng niêm mạc tử cung và một loạt các quá trình khác liên quan đến khả năng sinh sản", bác sĩ nói.
Chị Thanh bổ sung vitamin, anh Long cai thuốc lá. Hai vợ chồng chạy bộ mỗi buổi sáng, hạn chế thức khuya và căng thẳng. Chế độ ăn hạn chế tối đa tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và đường; tăng cường chất béo lành mạnh (các loại cá giàu omega 3, đậu nành, hướng dương), ngũ cốc nguyên hạt, rau quả, protein có lợi như cá, các loại đậu và thịt gia cầm ít chất béo.
Sau khi bác sĩ kích thích buồng trứng với phác đồ nhẹ, chị Thanh thu được 12 trứng trưởng thành chất lượng tốt. Chuyên viên phôi học thực hiện lọc rửa, tìm kiếm được nhiều tinh binh khỏe mạnh đủ điều kiện, thụ tinh ống nghiệm thu được 8 phôi ngày 5 chất lượng tốt.
Cuối tháng 12/2023, nội mạc tử cung đủ điều kiện, chị Thanh được chuyển một phôi vào buồng tử cung. 14 ngày sau, bác sĩ thông báo chị đậu thai.
Anh Long cho biết hành trình điều trị IVF lần này gặp nhiều thuận lợi nhờ thể chất khỏe mạnh, tâm lý đỡ căng thẳng. "Chúng tôi thấu hiểu và có nhiều thời gian chia sẻ, chăm sóc nhau hơn, chuẩn bị cho thai kỳ khỏe mạnh để đón em bé năm Rồng", anh nói.
Theo bác sĩ Thảo, nguyên nhân vô sinh có thể bắt nguồn từ cả nam và nữ giới. Nguyên nhân có thể là chất lượng tinh trùng thấp, các vấn đề về buồng trứng, tắc nghẽn ống dẫn trứng, nhiễm trùng vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, lớn tuổi, khó thụ tinh tự nhiên... Ngoài ra, béo phì, chế độ ăn uống không cân bằng, chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa, carbohydrate và đường, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc, trầm cảm, lo lắng, căng thẳng cũng góp phần gây ra tình trạng vô sinh.
Ở cơ thể phụ nữ, thời gian để các nang trứng nguyên thủy phát triển thành trứng trưởng thành mất khoảng 120 ngày. Trong thời gian này, nang nguyên thủy rất dễ bị tổn thương nếu không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất hoặc tiếp xúc với nhiều độc tố. Các chất độc, căng thẳng, rối loạn nội tiết tố có thể khiến các nang này khó trưởng thành, không có trứng hoặc trứng có khuyết tật di truyền. Chất lượng trứng không tốt khiến khả năng đậu thai giảm và nguy cơ sẩy thai, dị tật bẩm sinh cao.
Tương tự, tinh trùng cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài. Nếu người chồng sử dụng nhiều chất kích thích, bia rượu, thuốc lá, thuốc điều trị bệnh..., tinh binh có thể hư hỏng, hình dạng bất thường, giảm tốc độ di chuyển hoặc số lượng.
"IVF không thể cải thiện sức khỏe và chất lượng trứng, tinh trùng của bạn mà chỉ sàng lọc, phát hiện phôi dị tật, chọn phôi tốt nhất bằng kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ", bác sĩ Thảo nói.
Bác sĩ Thảo cho biết nguyên nhân phổ biến nhất của thất bại trong thụ tinh ống nghiệm là tình trạng sức khỏe của người bệnh, chất lượng phôi (liên quan trực tiếp đến trứng, tinh trùng) và môi trường làm tổ của thai.
"Vì vậy, trước khi bắt đầu quá trình IVF, hai vợ chồng cần được kiểm tra sức khỏe, điều trị bệnh liên quan nếu có, đồng thời điều chỉnh lối sống để nâng cao sức khỏe", bác sĩ nói thêm.
Một nghiên cứu ở Hà Lan năm 2018 cho thấy các biện pháp can thiệp lối sống kéo dài đến tháng thứ ba làm tăng đáng kể số lượng trứng, số lượng trứng trưởng thành, số lượng và chất lượng phôi, khả năng sinh sản và tỷ lệ mang thai ở phụ nữ vô sinh. Thay đổi sau 6 tháng cải thiện chuyển hóa lipid và nội tiết sinh sản, giúp tăng khả năng phục hồi kinh nguyệt, rụng trứng, tỷ lệ mang thai ở phụ nữ béo phì và vô sinh. Thay đổi lối sống cũng cải thiện chức năng tình dục tổng thể ở phụ nữ vô sinh.
Nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2020 ở nam giới vô sinh cũng chỉ ra tăng cường hoạt động thể chất 3 tuần cải thiện rõ rệt chất lượng tinh trùng.
Theo bác sĩ Thảo, quá trình điều trị IVF thường dài ngày. Nhiều bệnh nhân hiếm muộn chia sẻ rằng thời tiết mát mẻ trong mùa đông - xuân giúp họ thấy khỏe khoắn, tâm lý thoải mái và sẵn sàng hơn. Do đó, vợ chồng không dùng biện pháp tránh thai nhưng sau một năm kết hôn (hoặc 6 tháng với phụ nữ trên 35 tuổi) chưa có con nên đi khám, điều trị sớm. Việc trì hoãn điều trị có thể khiến khả năng sinh sản suy giảm theo thời gian, tăng khó khăn và chi phí điều trị.
Trong hai tháng cuối năm 2023, hệ thống IVF Tâm Anh khám, điều trị gần 5.000 trường hợp mỗi tuần, tăng gấp 3 lần các thời điểm khác trong năm, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, trong đó 70% là trường hợp khó, lớn tuổi, thất bại chuyển phôi nhiều lần... "Phần lớn các cặp vợ chồng từng trải qua quá trình điều trị trước đó, rất có ý thức chuẩn bị tinh thần, sức khỏe, và tài chính cho lần IVF tiếp theo", bác sĩ cho hay.
Hoài Thương
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
20h ngày 3/1/2024, trên fanpage VnExpress, các bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, sẽ tư vấn trực tuyến về "Chữa hiếm muộn vào mùa Đông - Xuân tỷ lệ thành công cao". Chương trình có sự tham gia của Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Lê Hoàng, BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo, TS.BS Nguyễn Thị Liên Hương, ThS.BS Lê Đăng Khoa. Độc giả gửi câu hỏi tại đây để được bác sĩ giải đáp. |