Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết Niệu - Trung tâm Tiết niệu - Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cần phân biệt sự khác nhau giữa thận teo và thận có kích thước nhỏ.
Thận teo nghĩa là trước đây người bệnh đã có chứng cứ về mặt siêu âm cho thấy thận bình thường nhưng sau mỗi lần siêu âm lại nhận thấy kích thước thận teo nhỏ hơn. Thận teo có thể xảy ra một bên hoặc cả hai bên. Trong khi đó, thận có kích thước nhỏ do bẩm sinh thì vốn dĩ đã nhỏ hơn so với bình thường. Kích thước này không thay đổi trong những lần siêu âm.
Những bệnh lý gây ra tình trạng thận bị teo nhỏ gồm sỏi thận, nhiễm trùng thận kéo dài, hẹp động mạch thận, thận bị ứ nước... Ngoài ra, người bệnh tiểu đường, huyết áp cũng có thể khiến thận teo nhỏ. Tình trạng tắc nghẽn thận do các bệnh lý nếu diễn ra lâu ngày khiến thận mất dần chức năng và gây ra các vấn đề sức khỏe liên quan.
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, tình trạng người bệnh mà teo thận sẽ có những triệu chứng cụ thể. Một số dấu hiệu đặc trưng bao gồm: đau khi đi tiểu; đau vùng bụng, sườn hoặc lưng; đi tiểu ra máu, tiểu nhiều lần, hay đi tiểu đêm; mệt mỏi, chán ăn, ngứa da; cảm thấy khó chịu ở vùng thận, phù ở chân, tay và vùng mặt. Lúc này, người bệnh cần nhanh chóng đến khám tại các chuyên khoa Tiết niệu - Thận học. Bác sĩ sẽ khám và cân nhắc chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nhằm kịp thời điều trị, tránh xảy ra những biến chứng nặng nề.
Để chắc chắn hơn về tình trạng thận teo do bẩm sinh hay do bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh đánh giá chức năng thận bằng những kỹ thuật đặc biệt như xạ hình thận, siêu âm... Nếu kết quả cho thấy thận không ứ nước, chủ mô thận bình thường, vẫn thực hiện lọc nước tiểu, chất độc trong cơ thể thì dù thận có kích thước nhỏ nhưng chức năng hoạt động của thận vẫn được đảm bảo.
Ngoài ra, nếu bị teo một quả thận thì vẫn còn quả thận còn lại gánh vác trọng trách. Quả thận này sẽ hoạt động mạnh hơn để bù trừ cho phần khiếm khuyết ở quả thận đang bị tổn thương. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn đến nguy cơ suy thận cho quả thận còn lại. Tình trạng bị teo hai bên thận, người bệnh cần áp dụng phương pháp điều trị duy trì sự sống.
Đến nay, y học vẫn chưa có thuốc điều trị cho tình trạng thận bị teo hay kích thích cho thận trở lại kích thước ban đầu. Người bệnh sẽ phải chung sống với tình trạng này suốt đời. Do đó, điều mà người bệnh nên làm là khám sức khỏe định kỳ. Kiểm tra chức năng thận thường xuyên hơn. Với những người không có tiền sử bệnh thận, mỗi 3-6 tháng, nên kiểm tra chức năng thận. Nếu đã mắc bệnh thận, người bệnh nên kiểm tra chức năng thận hàng tháng hoặc theo lời dặn của bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu - Thận học.
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức chia sẻ, thận là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể, đảm đương chức năng bài tiết chính của hệ tiết niệu. Quá trình tuần hoàn luân chuyển liên tục trong cơ thể mỗi người. Mỗi ngày, thận của một người trưởng thành phải lọc khoảng 180-200 lít máu, tương đương 1,5-2 lít máu mỗi phút. Thận còn làm nhiệm vụ lọc, đào thải độc tố, điều chỉnh cân bằng nước trong cơ thể tránh hiện tượng phù nề.
Dù gánh trọng trách quan trọng như vậy nhưng tổn thương ở thận ít khi được nhận biết và không thể nhận biết bằng mắt thường, phải thông qua các kết quả xét nghiệm như máu, nước tiểu, siêu âm... mới có thể phát hiện.
Duy trì thói quen vận động 30 phút/ ngày; dinh dưỡng nên ăn nhạt muối, tăng cường rau xanh và trái cây tươi; uống đủ nước; dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ (bao gồm thực phẩm chức năng); kiểm soát đường huyết ổn định... giúp phòng ngừa các bệnh lý về thận, tránh gặp phải tình trạng teo thận làm suy giảm chức năng thận.
Hoàng Trang