Thận là hai cơ quan hình hạt đậu, có kích thước bằng nắm tay nằm ở bụng dưới, đối xứng nhau qua cột sống. Thận có nhiệm vụ làm sạch máu, loại bỏ các chất thải và tạo nước tiểu. Ung thư thận là căn bệnh khiến các tế bào thận phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo ra khối u. Hầu hết khối u ung thư thận đều xuất hiện ở lớp niêm mạc của các ống nhỏ trong thận. Đây là ung thư biểu mô tế bào thận.
Người trên 40 tuổi, thường xuyên hút thuốc lá, béo phì, cao huyết áp, gia đình có người mắc ung thư thận, uống thuốc giảm đau trong thời gian dài... nhiều nguy cơ hình thành khối u trong thận. Đặc biệt, nam giới có nguy cơ mắc ung thư thận cao hơn phụ nữ.
Khi được chẩn đoán mắc ung thư thận, bác sĩ sẽ kiểm tra, xem vị trí của khối u nằm trong thận hay đã di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể. Để xác định vị trí chính xác của khối u, bác sĩ sẽ thu thập thông tin chi tiết về tình trạng của bệnh nhân bằng cách thực hiện xét nghiệm hình ảnh (chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)...) hoặc sinh thiết (lấy một phần nhỏ của khối u để kiểm tra tế bào ung thư).
Thông thường, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ phát triển của khối u trong thận qua hệ thống TNM (T - kích thước khối u, N - kiểm tra hạch bạch huyết và M - quá trình ung thư di căn). Dưới đây là 4 giai đoạn phát triển ung thư thận và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.
Giai đoạn I
Đây là giai đoạn đầu tiên của ung thư thận với tỷ lệ sống sót sau 5 năm cao nhất. Theo hệ thống TNM, khối u ung thư tương đối nhỏ trong giai đoạn này. Khối u chỉ xuất hiện ở một quả thận, không có bằng chứng cho thấy tế bào ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác.
Trong giai đoạn này, thận có khối u ung thư có thể được cắt bỏ với cơ hội hồi phục cao. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm với bệnh nhân ung thư thận giai đoạn I lên tới 81%. Điền này có nghĩa là trong số 100 người, 81 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thận giai đoạn I có cơ hội sống sau 5 năm kể từ lần chẩn đoán ban đầu.
Giai đoạn II
Bước sang giai đoạn II, khối u ung thư trong thận phát triển nhanh, nghiêm trọng hơn giai đoạn đầu. Lúc này, khối u có kích thước lớn hơn 7 cm bề ngang, chỉ xuất hiện ở thận. Tuy nhiên, tương tự giai đoạn I, không có bằng chứng nào cho thấy tế bào ung thư đã lây lan đến các hạch bạch huyết cùng những cơ quan trong cơ thể.
Bệnh nhân ung thư thận giai đoạn 2 có thể sẽ được cắt bỏ khối u và theo dõi sau phẫu thuật. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm với ung thư thận giai đoạn 2 là 74% (trong số 100 người, 74 người được chẩn đoán mắc ung thư thận giai đoạn 2 vẫn sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán).
Giai đoạn III
Sau khi sử dụng hệ thống TNM, bác sĩ có thể xác định hai kịch bản có thể xảy ra ở bệnh ung thư thận giai đoạn III. Trong kịch bản đầu tiên, khối u phát triển ở thành tĩnh mạch chính và mô lân cận, chưa tới các hạch bạch huyết.
Trong kịch bản thứ hai, kích thước của khối u khó xác định, xuất hiện bên ngoài thận. Trong trường hợp này, các tế bào ung thư đã xâm lấn các hạch bạch huyết ở gần, nhưng không tiến xa hơn.
Trong cả hai trường hợp, bệnh nhân cần được điều trị sẽ tích cực. Nếu ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết, người bệnh cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư thận giai đoạn III là 53% (trong số 100 người, 53 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thận giai đoạn III sẽ sống được 5 năm trở lên kể từ lần đầu được chẩn đoán).
Giai đoạn IV
Ung thư thận giai đoạn IV thường được phân thành hai hình thái. Cụ thể, khối u đã phát triển lớn đến mô bên ngoài thận. Khối u có thể lây lan đến các hạch bạch huyết hoặc chưa, tế bào ung thư chưa di căn.
Trong hình thái thứ hai, khối u có thể có kích thước bất kỳ, nằm trong các hạch bạch huyết và đã di căn đến các cơ quan khác. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm trong giai đoạn này giảm, chỉ còn 8%. Tuỳ vào quá trình điều trị, thời gian sống của người bệnh sẽ có sự thay đổi.
Minh Thuý (Theo Webmd, Healthline)