Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Thị Kim Thanh, Trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, thận móng ngựa có tên gọi khác là thận hợp nhất. Đây là tình trạng hai quả thận hợp nhất hoặc liên kết với nhau. Thay vì có cấu trúc hình hạt đậu nằm đối xứng qua cột sống, thận hình móng ngựa dính nhau ở phần đáy tạo thành hình dạng chữ U giống như một chiếc móng ngựa. Thận móng ngựa nằm ở vị trí khác, thấp hơn trong xương chậu và gần phía trước cơ thể so với hai quả thận điển hình nằm ở vị trí đốt sống ngực thứ 11.
Đây là một dị tật bẩm sinh và cũng có thể di truyền. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh thận móng ngựa là khoảng 1/500 ở dân số bình thường. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh nam giới và nữ giới là 2:1.
Đến nay, nguyên nhân gây ra thận móng ngựa vẫn chưa được khẳng định. Thận móng ngựa thường ảnh hưởng đến những người có rối loạn di truyền với một số hội chứng nhất định như: Hội chứng Down, Hội chứng Turner (mất một phần hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể giới tính ở nữ giới), thể tam nhiễm 13 (Hội chứng Patau: gây sứt môi, hở hàm ếch) và tam nhiễm sắc thể 18 (Hội chứng Edwards) những tình trạng nghiêm trọng gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng (khuyết tật bẩm sinh), Hội chứng Ellis-van Creveld, thiếu máu Fanconi, Hội chứng Goltz, Hội chứng Kabuki (dị dạng phát triển nội tạng bẩm sinh, rối loạn phát triển hệ xương), Hội chứng Pallister-Hall.
Các triệu chứng của thận móng ngựa tương tự gồm bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên (UTIs) như đi tiểu đau, đi tiểu thường xuyên hoặc tiểu gấp, nước tiểu đục, sẫm màu hoặc màu hồng hoặc có mùi nặng, nhiệt độ cơ thể cao hoặc thấp, đau bụng hoặc lưng... Sỏi thận cũng có thể là một dấu hiệu của thận móng ngựa gây ra. Triệu chứng gồm đau dữ dội ở một bên bụng hoặc bẹn, sốt, buồn nôn hoặc nôn mửa, có máu trong nước tiểu...
Bác sĩ Kim Thanh cho biết, bệnh thận móng ngựa có thể được chẩn đoán tình cờ khi đến khám hoặc điều trị một bệnh khác. Các xét nghiệm thường được dùng để giúp chẩn đoán bệnh là mức lọc cầu thận ước tính (eGFR), một xét nghiệm máu để kiểm tra lượng máu mà thận lọc mỗi phút, đồng thời xét nghiệm nitơ urê máu (BUN), xét nghiệm creatinine, tổng phân tích nước tiểu. Các chẩn đoán hình ảnh cũng được sử dụng trong chẩn đoán bệnh thận móng ngựa.
Theo bác sĩ Kim Thanh, phương pháp điều trị thận móng ngựa hiệu quả là phẫu thuật nhằm khôi phục lượng nước tiểu, loại bỏ sỏi thận, khắc phục tình trạng trào ngược niệu quản. Trong một số trường hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê thêm các loại thuốc kháng sinh để điều trị triệu chứng, tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Trong quá trình điều trị, người bệnh nên tránh chơi các môn thể thao cường độ cao như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ... vì có thể gây ảnh hưởng đến thận.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ, thận móng ngựa có thể gây ra các biến chứng như trào ngược niệu quản do nước tiểu chảy ngược từ bàng quang trở lại thận, tắc nghẽn khúc nối bể thận niệu quản khi một phần đường thoát nước tiểu và thận bị bịt kín; thận ứ nước; thận đa nang; tăng huyết áp tân mạch hoặc hẹp động mạch thận, huyết áp cao xảy ra khi các động mạch dẫn máu đến thận bị thu hẹp. Biến chứng của thận móng ngựa là khối u Wilms, một loại khối u thận xảy ra ở trẻ em.
Bác sĩ Kim Thanh nhấn mạnh, thận móng ngựa là một trong những dị bật bẩm sinh ở thận có tính chất nguy hiểm, do đó, trẻ nhỏ cần được tầm soát sớm. Người trưởng thành cũng nên quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Khi thấy có máu trong nước tiểu, nhiễm trùng tiểu thường xuyên, đau, sờ thấy có khối hoặc sưng ở bụng là nên đến bệnh viện ngay.
Hân Thái