Cholesterol cao do thói quen sinh hoạt, tuổi tác và tiền sử bệnh gia đình. Dưới đây là giải đáp cho những câu hỏi thường gặp về cách kiểm soát cholesterol.
Kiêng gì khi cholesterol cao?
Người có mức cholesterol cao nên ăn ít chất béo bão hòa. Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thịt mỡ, thịt đã qua chế biến, bánh nướng, bánh ngọt, bơ, kem. Một số thực phẩm có chứa cholesterol như trứng, tôm, cua, nhưng ít làm cho cholesterol trong máu thay đổi. Người bệnh có thể ăn chúng như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.
Thực phẩm nào giảm cholesterol?
Thay chất béo bão hòa bằng thực phẩm chứa nhiều chất béo không bão hòa như dầu thực vật (dầu hướng dương, ô liu, dầu hạt cải), hạt các loại, quả bơ và cá có dầu tốt cho sức khỏe.
Một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp ích như thay sữa nguyên chất bằng sữa gầy, thịt băm thông thường bằng thịt nạc, ít chất béo. Đổi thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến thành cá, gà tây, thịt gà không có da hoặc protein từ thực vật như đậu lăng, đậu nành cũng giảm mức cholesterol.
Tập thể dục có giúp giảm cholesterol?
Bên cạnh cải thiện chế độ ăn uống, tập thể dục là một trong những thay đổi lối sống hiệu quả để giảm cholesterol tự nhiên. Bài tập phù hợp như chạy bộ, tập aerobic, bơi lội, tập yoga.
Bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh loại bài tập, thời lượng dựa trên thể trạng, sức khỏe tổng thể, nhất là với người chưa quen với hoạt động thể chất.
Ngừng hút thuốc có làm giảm cholesterol?
Hút thuốc lá làm tăng tích tụ mảng bám, giảm mức cholesterol có lợi (HDL). Thuốc lá cũng có thể gây tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ đông máu, dẫn đến đau tim, đột quỵ.
Cách nhanh nhất để giảm cholesterol xấu (LDL) là bỏ thuốc lá. Người không hút thuốc nên tránh hít phải khói thuốc lá thụ động.
Có nên ngừng uống rượu khi cholesterol cao?
Rượu, bia có chứa nhiều năng lượng, chất chuyển hóa gây hại cho cơ thể, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, thừa cân, suy thận... Rượu, bia cũng làm tăng chất béo trung tính (triglyceride) và cholesterol xấu, từ đó đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, dẫn đến thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
Uống rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn nên cần hạn chế tối đa. Nếu phải uống, nữ giới không dùng quá một đơn vị cồn mỗi ngày, hai đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tương đương một cốc bia hơi 330 ml.
Lê Nguyễn (Theo British Heart Foundation)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |