Vậy là chúng ta vừa trải qua một kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nữa. Đâu đó, tôi lại nghe thấy người ta xì xào, bàn tán, than thở với nhau rằng "ăn Tết mệt mỏi", "ngày nào cũng bánh chưng, canh măng", "quá nhiều thủ tục rườm rà"... Tất nhiên, tôi không dám đánh giá ai vì mỗi người đều có một quan điểm, cách nhìn riêng. Tôi chỉ đưa ra những suy nghĩ của mình về cái Tết cổ truyền của dân tộc.
Trước hết, về khía cạnh ngôn ngữ, cụm từ "ăn Tết" là cách nói đời thường của người Việt. Là một nền văn minh lúa nước, người dân Việt từ lâu đã quen "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", hai sương, một nắng mới có hạt thóc, củ khoai, củ sắn mà nuôi con, đánh giặc ngoại xâm hàng ngàn năm. Như ông, cha ngày xưa đi mở cõi, người Việt ngày nay cũng mưu sinh khắp nơi trên thế giới. Họ chỉ mong sao đến ngày cuối năm để được đoàn tụ với gia đình.
Vậy nên, từ "ăn Tết" cũng có thể hiểu là "vui Tết". Dù muốn hay không, cứ đến độ xuân về, hoa đào vẫn thắm sắc phố phường, núi đồi; hoa mai vẫn vàng rực như nắng phương Nam. Bạn có thể ăn nhiều, ăn ít, thậm chí không ăn; có thể ra ngoài hay ở nhà; về quê hay ở phố... đó là lựa chọn của cá nhân mỗi người. Tất nhiên, bạn có thể ăn cơm Tây hay bánh mỳ cả Tết. Nhưng, với hầu hết người Việt, tôi tin rằng, cứ đến Tết là người ta nghĩ đến bánh chưng. Muôn đời vẫn vậy.
Những năm 1980 của thế kỷ trước, tôi may mắn, được phục vụ các bạn người nước ngoài. Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, chúng ta nghỉ vui Tết, họ cũng phải nghỉ theo nên rất buồn và đề nghị được "ăn Tết" theo kiểu người Việt. Vậy là tất cả chúng tôi bắt tay chuẩn bị Tết cho họ với đầy đủ các món ăn truyền thống của người Việt. Trải qua ba ngày Tết Nguyên đán "chuẩn Việt", tất cả họ đều rất vui sướng. Thời gian sau, khi các bạn về nước, ngày chia tay, tôi hỏi họ sẽ nhớ gì ở Việt Nam nhất? Nhiều người rưng rưng trả lời rằng: "Tết, bánh chưng, phở, nem". Tôi nghĩ, thế là đủ để người ta nhận ra giá trị của Tết.
Nhà tôi ở Sài Gòn, thời tiết nắng nóng quanh năm. Nhưng, Tết nào chúng tôi cũng luộc bánh chưng, bánh tét ngày 29 Tết. Bánh luộc xong được để trong ngăn mát tủ lạnh, qua Rằm tháng Giêng vẫn ngon lành. Đến ngày 14 Tết, chúng tôi lại gói, luộc bánh chưng lần nữa để cúng Rằm tháng Giêng. Tất cả từng khâu nguyên liệu phải tỉ mẩn, sạch sẽ nên luôn đảm bảo vệ sinh, chất lượng. Lưu giữ được thói quen truyền thống ấy nên Tết của gia đình tôi chưa khi nào mất đi không khí.
>> Tôi không còn muốn đi du lịch trốn Tết
Nhân đây, để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện ngày Tết của gia đình mình để các bạn hình dung được rõ hơn: Tôi về làm rể quê vợ đã được vài chục năm nay. Gia đình tôi sống gần nhà bố mẹ đẻ nên hàng tuần vẫn về thăm. Trước 23 Tết, vợ tôi đã gửi bố mẹ chồng đầy đủ thực phẩm để ăn Tết. Tối 30, ngày mồng Một Tết, chúng tôi ở nhà mình. Ngày mồng Hai, vợ chồng, con cái chúng tôi đi du xuân về quê vợ vì cả năm đã đi xa. Trưa muộn mồng Hai, cả họ hàng năm nào cũng tụ hội đông đủ ở nhà anh trưởng.
Chúng tôi ăn uống, cũng rượu, bia... đủ cả, nhưng tuyệt đối không khích bác, xỏ xiên nhau, vẫn có trên, có dưới. Các cháu vợ hỏi tôi đòi lì xì. Có đứa cháu gái "khoe" sắp lấy chồng. Có năm cháu trai hớn hở bảo "thèm lấy vợ". Chúng tôi cứ chuyện trò rôm rả như vậy cho đến khi tỉnh rượu, vui hết sức.
Ngày mồng Ba, cả gia đình lại du xuân về lại nhà mình. Trên đường đi, chúng tôi ghé qua chùa, vài điểm vui chơi nào đó để tận hưởng không khí ngày Tết. Ngày mồng Bốn, chúng tôi dành để nghỉ ngơi sau một chuyến đi dài. Ngày mồng Năm, cả nhà kéo về nhà bố mẹ tôi, cùng nhau hóa vàng. Con, cháu chúng tôi có món gì đều mang về nhà bố mẹ cùng ăn. Anh chị em cùng vào bếp nấu nướng, dọn dẹp. Xong xuôi, ai về nhà đó nghỉ ngơi, chuẩn bị cho hôm sau mở cửa bán hàng, đi làm, đi học.
Cứ như vậy, chúng tôi lai rai cho tới hết rằm tháng Giêng, rảnh lúc nào lại hẹn anh chị em tụ tập ăn uống cùng nhau, vui vẻ ngày đầu năm mới. Cũng nhờ thế mà chúng tôi chưa bao giờ thấy Tết cực. Phong tục, truyền thống, lễ nghi... cũng chỉ gói gọn lại trong hai từ "vui Tết".
Chúng ta mở cửa để hội nhập kinh tế và học tập công nghệ, chứ không phải để "hòa tan" văn hóa. Mỗi nước đều có một văn hóa truyền thống riêng, được hình thành, chọn lọc, thử thách, thì mới tồn tại hàng ngàn năm, nên cần phải được gìn giữ. Thế giới "phẳng" là tôn trọng bản sắc trong đa dạng chứ không phải xóa bỏ truyền thống để bắt chước một màu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.