Gia đình tôi đã chuẩn bị xong mọi điều kiện cho một cái Tết ấm cúng, vui tươi, tiết kiệm, an toàn từ 28 tháng Chạp. Chiếc tủ lạnh nhỏ vẫn còn còn chỗ chứa đồ nhưng tôi không mua thêm thực phẩm vì cũng chẳng ăn hết. Phòng khách còn rộng nhưng tôi quyết không mua thêm hoa dù mới chỉ có cành đào vườn và cây quất nhỏ. Chồng tôi sang nhà nội giúp cha mẹ vài việc cuối cùng. Hai con gái bận đi làm đẹp. Tôi kiểm tra sản phẩm thêm lần nữa trước khi giao chuyến cuối cho khách, khép lại một năm chăm chỉ làm việc.
Vừa qua, tôi tổ chức một cuộc thi thuyết trình quy mô nhỏ cho "những đứa con" của mình. Một cô bé đã thu hút tôi bởi chủ đề mà em lựa chọn: "Sống là để yêu thương". Thông tin từ bài thuyết trình của cô bé đó khiến tôi suy nghĩ: "Mình đã yêu thương đủ nhiều?".
Tôi từng cảm thấy đau khổ khi không được chồng và mẹ chồng yêu thương. Chồng tôi là người đàn ông gia trưởng và keo kiệt. Mẹ chồng tôi từng là một cô giáo tiểu học rất được lòng phụ huynh và học trò nhưng cực kỳ khắc nghiệt với con dâu. Điều khiến tôi đau lòng và nhiều lần toan bước ra khỏi cuộc sống ngột ngạt ấy chính là những cuộc cãi vã giữa bố mẹ chồng và con trai (tức chồng tôi) vì lý do tiền bạc. Ba con người ấy đều coi trọng đồng tiền và coi nhẹ tình thân. May mắn cho tôi, một trong ba cô em chồng là người hiểu chuyện, thường xuyên bênh vực chị dâu. Và tôi phải nỗ lực để kiếm tiền và đấu tranh với chồng, mẹ chồng.
Thực ra, mẹ chồng tôi không được khỏe. Mấy lần tai biến, bốn lần phải mổ, lần nào cũng một tay con dâu kề cận, chăm sóc (dù bà có tới ba con gái, hai con trai). Càng già càng yếu, tính tình của bà càng dễ chịu hơn. Bà có hai điều phiền muộn là con trai út chưa chịu kết hôn và chưa có cháu đích tôn như nhà hàng xóm. Còn chồng tôi không muốn bị vợ bỏ nên nay cũng thay đổi được sáu, bảy phần.
Người Việt ta có nhiều điều cần phải thay đổi để đem lại hạnh phúc cho mình và người thân. Những bà mẹ chồng không mất công sinh dưỡng lại được thêm con, sao không đối xử với con dâu như con gái? Đa số các bà mẹ chồng thế hệ 6x trở về trước đều "nghèo" tình thương yêu, hào phóng sự cay nghiệt. Gốc rễ của tình trạng đó chính là tính ích kỷ và thiếu lòng nhân hậu. Giá như các bà mẹ chồng biết thương quý "con gái nhà người ta" thì đã góp phần đem lại hạnh phúc cho biết bao gia đình. Và ngược lại, các cô con dâu biết yêu kính cha mẹ chồng thì gia đình cũng thêm phần êm ấm.
Chứng kiến nhiều mảnh đời, tôi nhận thấy một bộ phận không nhỏ phụ nữ Việt không trân quý bản thân mình nên dễ bị chà đạp, đặc biệt là những phụ nữ thuộc tầng lớp lao động nghèo. Do vậy, tôi giáo dục hai đứa con gái của mình trở thành người hiểu biết, có đạo đức, tự lập, độc lập tài chính và biết yêu bản thân. Phụ nữ tri thức, ăn ở phải đạo, có kinh tế, sẽ được chồng, gia đình chồng và xã hội tôn trọng hơn. Phụ nữ biết yêu bản thân sẽ không bao giờ chấp nhận bị chà đạp. Đàn ông hay đàn bà, nếu không biết yêu bản thân, không trân quý tính mạng, giá trị của con người mình, thiếu tự trọng thì khó có thể biết yêu thương người khác thực sự. Và vì thế, không thể hạnh phúc.
Chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cái gì cổ hủ, lạc hậu, cản trở hạnh phúc và sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội thì cần sớm thay đổi. Đó là tiến bộ, văn minh. Chúng ta đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn của toàn nhân loại, đã hiểu rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Vì thế, hãy sống có ý nghĩa hơn, cống hiến và cho đi nhiều hơn, mà trước tiên là dành cho gia đình, người thân một tình yêu thương vô tư, không tính toán.
Với con cái, tôi cho các con được làm công việc mà con yêu thích, được sống ở nơi con muốn, lựa chọn người mà con yêu, tôn trọng mong muốn không kết hôn vì chúng không thích lấy chồng, làm dâu, sinh con. Tôi sinh con ra không phải để chúng sống theo ý muốn của mình, làm thú vui và phải chăm lo cho mình khi già yếu. Các bạn đừng lo loài người sẽ tuyệt chủng chỉ vì tôi và một bộ phận tôn trọng lựa chọn sống độc thân của người khác.
>> Mẹ tôi giam mình trong bếp suốt ba ngày Tết
Sống yêu thương là sống để cho đi, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác và chính mình. Nếu bạn không thể đem lại niềm vui cho người ta thì cũng xin đừng khiến người ta khó chịu vì mình. Vì vậy, đầu xuân năm mới, đừng hỏi: "Năm nay có đưa người yêu về ăn Tết không? Ba mấy rồi con gì nữa, lấy chồng đi... còn sinh con đẻ cái!" hay "Vợ chồng có tin vui chưa? Bao giờ thì cho ông bà bế cháu?", hoặc "Năm nay Covid, lương có bị giảm không, thưởng Tết có cao không?"...
Vui xuân mới cũng đừng quên Luật Phòng chống tác hại của bia rượu, đừng quên tính mạng cả gia đình đều trong tay người lái xe. Vui xuân mới làm ơn đừng quá chén... kẻo "võ đài" được lập ngay bên mâm cỗ Tết. Sống yêu thương không khó, chỉ cần chú ý một chút, tế nhị một chút, bớt tò mò, tọc mạch, bớt nhiều chuyện một chút, tôn trọng tự do cá nhân hơn một chút là được. Sống yêu thương là chăm lo bố mẹ nhiều hơn, quây quần bên cha mẹ nhiều hơn trong mấy ngày Tết là đủ.
Sống yêu thương là chia sẻ khó khăn với người thân, tùy điều kiện mà giúp đỡ nhiều hay ít, vật chất hay tinh thần. Khi bạn cho đi, bạn là người đầu tiên được hạnh phúc. Dù chỉ dăm ngàn đồng cho người hành khất, hay chiếc áo ấm cho người vô gia cư cũng là đủ rồi. Tuần trước, tôi mới chuyển khoản cho chị dâu số tiền gấp năm lần chi phí Tết của gia đình, với lời nhắn: "Em gửi chị chút tiền tiêu Tết. 5-10 năm nữa, chị có thì em xin lại, không có thì thôi!". Tất nhiên, chị dâu tôi sẽ không chi hết ngần ấy tiền nhưng tôi biết, sau Tết, đầu năm mới, chị sẽ ngại vay mượn, nên mình đưa dư ra chút ít để anh chị xoay xở trong mấy tháng tới. Và vì thế, tôi thấy thanh thản, hạnh phúc, đơn giản vậy thôi.
Xuân mới sắp gõ cửa mỗi nhà, tôi cầu chúc cho thế giới sớm được bình yên, vượt qua đại dịch. Chúc cho tất cả các bạn một cái Tết ấm áp, yêu thương.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.