Gần đây, có nhiều bài viết xung quanh câu chuyện ăn Tết, bao gồm cả việc có nên gộp Tết Tây và Tết ta lại với nhau? Nhiều ý kiến phản đối, cho rằng đây là tâm lý sính ngoại và "hòa tan" văn hóa. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy ý tưởng đó không tồi, vì cơ bản là chỉ chuyển khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán sang 1/1 dương lịch, còn lại vẫn giữ nguyên các hoạt động truyền thống.
Ngoài việc hoa đào, hoa mai không nở đúng dịp thì tôi thấy đây là phương án khả thi. Khi hầu hết các quốc gia đều đón Tết và xả hơi theo dương lịch thì chúng ta lại phải làm việc. Và đến khi chúng ta nghỉ Tết Âm lịch thì đối tác nước ngoài cũng buộc phải nghỉ theo hoặc không hợp tác nữa. Chưa kể, dịp Tết Dương lịch và Âm lịch khá gần nhau nên hầu như tháng 1 Dương lịch, ai nấy đều mang tâm lý làm việc chểnh mảng, "chờ ra Giêng", hoặc vội vàng làm xong mọi việc chờ đón Tết Âm. Trong khi đó, đối với các nước ăn Tết theo lịch dương, họ không bị phân tâm nhiều như vậy.
Dù sao, việc nhập hai cái Tết lại cũng cần nhiều rất nhiều thời gian và công sức để thay đổi quan niệm và sẽ chỉ thành công khi chuyện ăn hai cái Tết thật sự mang lại bất cập. Trong bài viết này, tôi xin kiến nghị một số việc có thể thực hiện để giảm tải Tết Nguyên Đán mà vẫn giữ được truyền thống:
Thời điểm về thăm gia đình
Cứ mỗi dịp Tết đến, người ta thường mang tâm lý đoàn viên, nhưng mặt trái của việc này là: gây ách tắc giao thông; tăng giá vé tàu, xe; tăng giá sản phẩm, thực phẩm; gánh nặng dọn dẹp nhà cửa, nội trợ (chủ yếu đè lên vai phụ nữ); lãng phí thực phẩm; đàn ông nhậu nhẹt, đánh bạc nhiều; họ hàng so sánh, đố kỵ nhau, hỏi han những vấn đề tế nhị như lấy vợ, lấy chồng, sinh con, lương thưởng...
Tôi đang sống ở nước ngoài, thấy rằng người phương Tây cũng đoàn viên gia đình vào ngày Tết, nhưng họ làm như sau: về thăm gia đình rải rác trong năm, không nhất thiết đúng dịp Tết; không nghỉ Tết đồng loạt, có người (đặc biệt người độc thân) chọn nghỉ vào dịp khác để đi du lịch với giá cả phải chăng, còn dịp Tết họ lại làm việc; chỉ những gia đình có con nhỏ mới buộc phải nghỉ Tết theo lịch của nhà trường, nên đành phải nghỉ vào dịp Tết, và phải chấp nhận giá tàu xe, dịch vụ cao.
Quy mô đoàn viên
Người phương Tây gói gọn việc đoàn viên trong gia đình ba thế hệ, trong vòng một ngày, hoạt động chủ yếu là ăn một bữa rồi cả nhà cùng nhau đi dạo (vào rừng, công viên), không nhậu nhẹt, việc nấu ăn cũng không cần quá cầu kỳ so với ngày bình thường. Có nhiều bạn so sánh Tây nghỉ nhiều hơn ta. Đúng là số lượng ngày nghỉ của phương Tây trong một năm nhiều hơn chúng ta, nhưng họ không nghỉ đồng loạt và cũng chỉ ở nhà hoặc đi du lịch chứ không nhất thiết phải tụ tập khách khứa, ăn uống, nhậu nhẹt. Vì vậy, Tết của họ khá nhẹ nhàng, chủ yếu là dành thời gian nghỉ ngơi.
Đi chúc Tết
Người phương Tây không chúc Tết đồng nghiệp hay biếu quà sếp. Điều này giúp giảm tải gánh nặng tài chính và bớt cửa quyền của cấp trên. Việc thăm hỏi bạn bè cũng giảm tải được khi các nhóm bạn chỉ cần tụ tập một lần tại một nơi. Việc này cũng giảm bớt công đoạn trang trí nhà cửa, so sánh vật chất, xung đột, đố kỵ trong những ngày đầu năm. Chúng ta có thói quen đi thăm người này, sau đó họ lại sang nhà chúng ta để đáp lễ, rồi lại ăn uống dù mới chỉ vừa gặp nhau trước đó vài giờ. Điều đó không cần thiết, mà cũng chẳng có nhiều chuyện để mà tâm sự nói đi nói lại.
Các lễ hội
Quốc gia nào cũng có các lễ hội rải rác quanh năm. Nhưng theo tôi, các lễ hội xin lộc, cầu may nên giảm bớt. Phụ huynh nên rèn cho con học hành, làm việc chăm chỉ, sáng tạo để có cuộc sống ấm no, thay vì cứ chen chúc xin các lễ vật để cầu may tại các lễ hội theo kiểu mê tín.
Dịp Tết cổ truyền sắp đến, chắc hẳn ai cũng mong ngóng được về nhà để đoàn viên, nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một khởi đầu mới. Trong bối cảnh đại dịch và kinh tế suy thoái như hiện nay, đây có thể là một dịp tốt để thực hiện một cái Tết đơn giản, nhẹ nhàng mà vẫn ấm áp. Hãy giới hạn lại quy mô đoàn viên chỉ những người thân nhất trong gia đình, ăn uống đơn giản, tăng các hoạt động ngoài trời... Điều đó vừa bảo vệ sức khỏe, môi trường, vừa tránh lãng phí mà vẫn giữ trọn được ý nghĩa của một mùa Tết cổ truyền.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.