Những ngày này, tôi thấy người ta nhắc nhiều đến câu chuyện "ăn Tết hay chơi Tết?", chê trách rằng Tết phiền hà vì phải cầu kỳ cúng bái, cỗ bàn, chúc tụng. Khi còn trẻ, tôi cũng có suy nghĩ tương tự, thắc mắc tại sao chúng ta cứ phải làm như thế? Tại sao cứ phải dọn dẹp nhà cửa, lo quà cáp cho nội ngoại, họ hàng, lo cỗ bàn, cúng kiến ngày Tết, lo trả nợ này kia...? Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể coi đó như là một ngày bình thường, cùng lắm thì mua sẵn vài món đồ để thắp hương tượng trưng và dành thời gian nghỉ ngơi, chơi Tết.
Đến khi lập gia đình, tôi mới hiểu ra nhiều điều và luôn phản bác hầu hết những quan điểm như trên ra khỏi suy nghĩ. Dĩ nhiên, trừ việc trả nợ và quà Tết cho ông bà, cha mẹ ra, còn lại tôi vẫn ủng hộ phong tục đón Tết truyền thống của người Việt. Nhưng thay vì tất bật chuyện nhà cửa, bếp núc rồi ngồi nhà chờ cho hết Tết như nhiều người, tôi và gia đình vẫn cố tranh thủ đi du lịch từ ngày mùng Ba, có năm còn đi từ 29 Tết.
Nhưng khi con cái bắt đầu trưởng thành và tuổi tác của bản thân cũng trở nên nhiều hơn, tôi chợt nhận ra không phải cái "tất bật" nào cũng là "gánh nặng". Tôi quyết định tự dọn dẹp nhà cửa sau nhiều năm thuê người làm giúp. Tôi cũng tổ chức gói bánh chưng với vợ con và tự tay hướng dẫn hai đứa nhỏ xếp từng nếp lá trong khuôn bánh. Và thay vì nhờ cha mẹ cúng kiếng như mọi năm, tôi cũng đã bắt đầu tự làm tất cả.
Thế mới thấy, tâm lý của chúng ta rồi sẽ dần thay đổi theo thời gian. Khi già hơn, chúng ta cũng bắt đầu trở về với những giá trị truyền thống cốt lõi. Dĩ nhiên là còn tùy vào cách tiếp cận của mỗi người. Có người sắp xếp một cách hợp lý, nhưng cũng có người hơi cực đoan, làm phức tạp hóa mọi chuyện. Nhưng tựu trung lại thì đó chính là cái cách mà Tết được truyền thừa. Còn bản thân tôi luôn cảm nhận rằng, chúng ta hãy cố tận hưởng hết những điều đó khi có thể.
>> Khi nhiều người trẻ không muốn về quê ăn Tết
Có người cho rằng người Việt nghỉ Tết quá lâu, ăn Tết quá rườm rà, điều này gây khá nhiều áp lực lên hạ tầng, lên du lịch, gây quá tải và đội giá, cũng như kìm hãm sự phát triển của kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thấu đáo, có thể thấy, tính chính thức, người Việt chỉ có khoảng 11 ngày nghỉ một năm (không tính ngày nghỉ cuối tuần) cho các dịp lễ Tết bao gồm : Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ, 30/4, Quốc tế Lao động 1/5 và Quốc khánh 2/9. Con số này cũng tương ứng với số ngày nghĩ lễ của nước Mỹ hiện nay, trong khi thua rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nên không thể nói người Việt nghỉ Tết quá nhiều.
Mỗi một quốc gia, nền văn hóa trên thế giới đều có những sự khác biệt nhất định. Chúng ta hòa nhập nhưng không có nghĩa là hòa tan cả những giá trị truyền thống của riêng mình. Không phải cứ nghỉ ít đi hay bỏ hết những phong tục dọn dẹp, thờ cúng, sum họp ngày Tết thì mới gọi là văn minh, tiến bộ. Quan trọng là ở cách chúng ta nhìn nhận và lưu giữ các phong tục ấy thế nào để vừa không cảm thấy mệt mỏi, áp lực, vừa không đánh mất giá trị truyền thống.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.