Testosterone thuộc nhóm hormone steroid được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn (95%) và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận (5%). Hormone này có vai trò phát triển giới tính, đặc điểm sinh dục nam, nhất là ở tuổi dậy thì, như giọng nói trầm hơn, mọc lông cơ thể, râu và tăng cơ bắp, đồng thời duy trì sức khỏe sinh lý, khả năng sản xuất tinh trùng.
Theo ThS.BS.CKII Dương Quang Huy, khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8 (IVF Tâm Anh Quận 8), tình trạng testosterone có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của nam giới, tùy vào mức độ và thời gian kéo dài.
Giảm sức khỏe sinh lý
Testosterone là hormone chính kích thích ham muốn tình dục nên khi bị suy giảm, nam giới ít cảm thấy hứng thú trong "cuộc yêu". Tình trạng này còn gây rối loạn cương dương, khiến quan hệ khó khăn và giảm cơ hội thụ thai tự nhiên. Lâu dài có thể khiến nam giới mất tự tin, ảnh hưởng đến đời sống tình cảm.
Testosterone là yếu tố chính kích thích tế bào sertoli trong tinh hoàn sản xuất tinh trùng. Suy giảm testosterone khiến quá trình này bị gián đoạn, tinh trùng ít, yếu, bất thường hoặc di động kém, nghiêm trọng hơn có thể gây vô tinh (không có tinh trùng trong tinh dịch), nguy cơ vô sinh.
Suy giảm cơ bắp, tăng mỡ cơ thể
Khi hormone testosterone thấp, cơ thể không còn khả năng duy trì hoặc xây dựng cơ bắp, khiến mỡ cơ thể, nhất là mỡ vùng bụng có xu hướng tăng lên. Từ đó, nam giới gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính, giảm sức khỏe thể chất, khả năng vận động và tăng nguy cơ chấn thương.
Loãng xương
Testosterone thấp khiến quá trình hình thành xương giảm, dẫn đến loãng xương. Xương trở nên mỏng, giòn, dễ gãy dù chỉ va chạm nhẹ. Với nam giới, gãy xương do loãng xương thường phục hồi chậm hơn và để lại nhiều biến chứng hơn.
Rối loạn tâm lý
Người bệnh dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, cáu kỉnh hoặc lo âu, giảm tự tin và khó tập trung trong công việc, cuộc sống hàng ngày. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.
Tăng nguy cơ bệnh tim mạch
Hormone này ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn và tim mạch thông qua điều chỉnh mỡ máu, giữ cho mạch máu khỏe mạnh và duy trì huyết áp ổn định. Mức testosterone suy giảm làm tăng nồng độ cholesterol xấu (LDL) và giảm cholesterol tốt (HDL), là nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch, mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Hội chứng chuyển hóa
Hội chứng này gồm một nhóm các vấn đề sức khỏe như béo phì, tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn lipid máu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ.
Để duy trì mức testosterone khỏe mạnh, bác sĩ Quang Huy khuyến cáo nam giới cần thường xuyên tập thể dục, nhất là các bài tập sức mạnh. Bên cạnh đó, nam giới duy trì chế độ ăn uống cân đối, giàu protein, chất béo lành mạnh và vi chất (vitamin D, kẽm), ngủ đủ giấc (6-8 giờ mỗi ngày), giảm căng thẳng, mệt mỏi.
Bác sĩ có thể điều trị bằng liệu pháp testosterone thay thế (TRT) cho những trường hợp nặng. Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ như ham muốn tình dục thấp, khó cương cứng, rụng tóc, mệt mỏi, mất cơ..., nam giới nên đi khám để được bác sĩ đánh giá và điều trị, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |