Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy anh Dương bị vỡ xương mũi ở cả hai bên, lệch vách ngăn sang trái. Anh được điều trị nội khoa 4 ngày để giảm sưng nề vùng mũi, sau đó bác sĩ phẫu thuật nội soi nâng xương mũi, chỉnh hình vách ngăn.
Ngày 20/1, ThS.BS.CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, giải thích phẫu thuật xương mũi cần được thực hiện sau khoảng 4-7 ngày chấn thương. Lúc này tình trạng xương giảm, can xương bên trong mũi chưa hình thành. Can xương là sự oxy hóa của mảng xương xung quanh ổ gãy, tạo nên cấu trúc cứng, tăng dần về kích thước. Nếu không phẫu thuật để can xương tự lành (sau hai tuần tổn thương), dễ gây bất thường như sai lệch cấu trúc giải phẫu, thay đổi hình dạng mũi, mất thẩm mỹ.
Trong ca phẫu thuật, ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, dùng dụng cụ chuyên dụng đi qua mũi, đặt dưới xương mũi bị gãy, nâng xương lên phía trước và ra ngoài, đồng thời duy trì lực tì vào phía bên kia của mũi nhằm đưa sống mũi về giữa. Gạc meche mũi được đặt bên trong mũi khoảng 5 ngày, sau đó được lấy ra khi người bệnh tái khám. Meche dùng để cố định ổ gãy đã nâng xương mũi, được chèn chặt vào hốc mũi qua cửa mũi trước.
Hậu phẫu, sức khỏe người bệnh ổn định, xuất viện sau hai ngày. Tái khám sau mổ, xương mũi, vách ngăn mũi anh Dương lành tốt, trở về đúng vị trí, không biến chứng.
Bác sĩ Hằng cho biết gần Tết dễ xảy ra các tai nạn lao động, sinh hoạt trong lúc sơn sửa, dọn dẹp nhà cửa. Tai nạn vùng xương có thể gây mất máu, ảnh hưởng thẩm mỹ. Tụ máu vách ngăn khi chấn thương mũi là ứ máu dưới màng sụn dẫn đến hoại tử nhiễm trùng sụn. Gãy xương sàng có thể làm rò rỉ dịch não tủy, nguy cơ viêm màng não, áp xe não tuy nhiên biến chứng này ít gặp.
Tùy trường hợp gãy xương mũi, mức độ tổn thương mà bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp gãy kín không lệch, bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa và nghỉ ngơi. Với người bị gãy xương hở, bác sĩ chỉ định các thủ thuật như lấy dị vật (nếu có), khâu vết thương, đặt lại xương và cố định, chỉnh hình vách ngăn, lấy máu tụ...
Nếu bị chấn thương mũi với biểu hiện mũi biến dạng, sưng, đau, bầm ở mũi hoặc quanh ổ mắt, lệch mũi, chảy máu, người bệnh nên đến khám bác sĩ tai mũi họng sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |