Ông Kiên, ngụ Quảng Ngãi, phẫu thuật điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt 10 năm trước, sau đó đi tiểu khó khăn hơn, dòng tiểu yếu dần. Ba tháng trước, ông bí tiểu hoàn toàn, vào bệnh viện gần nhà cấp cứu. Khi đó niệu đạo (đường thoát nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể) bít tắc nặng, bác sĩ không đặt được ống thông tiểu nên phải mở một lỗ thông từ trên bụng vào bàng quang để dẫn lưu nước tiểu ra ngoài. Ông Kiên phải giữ lỗ mở bàng quang, không thể đi tiểu theo cách bình thường, đeo túi nước tiểu bên dưới lớp áo suốt hai tháng nay.
Ông Kiên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Ngày 10/2, BS.CKI Phạm Thế Anh, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết kết quả nội soi bàng quang cho người bệnh phát hiện niệu đạo hẹp bít hoàn toàn không có kẽ hở. Ảnh X-quang niệu đạo ngược dòng ghi nhận đoạn hẹp chỉ 0,5 cm, nằm ở phần niệu đạo sau (gần bàng quang).
![Ảnh chụp X-quang niệu đạo ngược dòng xác định vị trí hẹp nằm ở niệu đạo sau. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/vne-a-nh-2-1739179385-2995-173-7206-8660-1739180815.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hsvs1YbNalqPWeIp2YQSAQ)
Ảnh chụp X-quang niệu đạo ngược dòng xác định vị trí hẹp nằm ở niệu đạo sau. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Thế Anh đánh giá đoạn hẹp niệu đạo ngắn, trong khi phần niệu đạo còn lại bình thường, nên có thể điều trị bằng phẫu thuật tạo hình niệu đạo cắt nối tận - tận. Bác sĩ tạo một đường mổ tại tầng sinh môn (vùng nằm giữa bìu và hậu môn) rồi bóc tách, bộc lộ vùng niệu đạo bị hẹp. Sau khi cắt bỏ đoạn hẹp này, bác sĩ khâu nối hai phần niệu đạo bình thường lại, phục hồi đường lưu thông nước tiểu, cuối cùng đóng lại vết mổ. Ca mổ hoàn thành sau 180 phút.
Hai ngày sau phẫu thuật, vết mổ phục hồi tốt, ông Kiên ít đau, có thể đi lại và ăn uống bình thường, được cho xuất viện. Ba tuần sau, ông có thể đi tiểu như bình thường, không cần mang túi nước tiểu nên lỗ thông bàng quang ra da được đóng lại.
![Bác sĩ Thế Anh (bên phải) phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho ông Kiên. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/VNE-a-nh-1-1739179364-4008-1739179433.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=btexmT-qhuMZoxYhq9gv4A)
Bác sĩ Thế Anh (bên phải) phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho ông Kiên. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Niệu đạo nam dài hơn của nữ nên nguy cơ gặp tổn thương dẫn đến hẹp cao hơn, nguy cơ gia tăng ở nam giới trên 55 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hẹp niệu đạo như viêm niệu đạo, chấn thương... hoặc hình thành sau can thiệp thủ thuật, phẫu thuật y khoa như trường hợp của ông Kiên. Ban đầu, người bệnh chỉ tiểu yếu hơn bình thường rồi dần chuyển sang tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần, tiểu không hết, tiểu khó. Nặng nhất là người bệnh bị bí tiểu hoàn toàn, gây đau đớn, nguy cơ vỡ bàng quang rất cao, phải cấp cứu để dẫn lưu nước tiểu ra khỏi bàng quang.
Tình trạng hẹp niệu đạo gây gián đoạn lưu thông dòng tiểu, khiến bàng quang khó làm rỗng. Theo thời gian, nước tiểu tồn đọng lâu dài có thể dẫn đến tình trạng trào ngược bàng quang - niệu quản lên thận gây thận ứ nước. Trong thời gian dài, thận ứ nước có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận, suy thận. Người bị hẹp niệu đạo lâu ngày đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hình thành sỏi trong hệ tiết niệu...
Bác sĩ khuyên nam giới có các yếu tố nguy cơ và triệu chứng bất thường đường tiểu cần sớm đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân, có biện pháp điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |