Hẹp niệu đạo là tình trạng chiều rộng ống niệu đạo bị thu hẹp lại, do mô sẹo hình thành sau tổn thương như viêm nhiễm, chấn thương, tai nạn... ThS.BS Cao Vĩnh Duy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hẹp niệu đạo phổ biến ở nam giới hơn nữ giới do niệu đạo dài hơn, nguy cơ tổn thương cao hơn. Nếu để lâu không điều trị, tình trạng này có thể gây ra một số biến chứng dưới đây.
Bí tiểu: Niệu tạo bít tắc hoàn toàn khiến nước tiểu không thể tống xuất ra ngoài, dồn ứ làm giãn bàng quang, gây đau, nguy cơ vỡ. Người bị bí tiểu cần được cấp cứu giải phóng bế tắc ngay.
Nhiễm trùng đường tiểu: Niệu đạo bị hẹp khiến nước tiểu có thể bị rò rỉ không kiểm soát (són tiểu), tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Vi khuẩn xâm nhập từ lỗ niệu đạo có thể di chuyển ngược dòng lên các cơ quan khác trong hệ tiết niệu. Người bị hẹp niệu đạo dễ bị tái phát nhiễm trùng tiểu sau khi điều trị khỏi.
Thận ứ nước: Hẹp niệu đạo cản trở đường thoát nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể, gây ra hiện tượng trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận, khiến thận bị ứ nước.
Viêm bàng quang, thận: Vi khuẩn từ lỗ niệu đạo di chuyển ngược dòng đến bàng quang và thận, gây viêm bàng quang, viêm thận, dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như sinh mủ thận, sinh hơi trong thận, thậm chí nhiễm khuẩn xâm nhập vào máu đe dọa tính mạng.
Sỏi tiết niệu: Khi nước tiểu ứ đọng trong bể thận, bàng quang thời gian dài, các khoáng chất trong nước tiểu có điều kiện lắng xuống và kết tinh thành sỏi ở các vị trí khác nhau trong hệ tiết niệu.
Ảnh hưởng chức năng sinh lý: Ở nam giới, niệu đạo đảm nhiệm cả hai chức năng tống xuất nước tiểu và phóng tinh. Niệu đạo hẹp ảnh hưởng đến khả năng xuất tinh, gây rối loạn cương dương, giảm tỷ lệ có con khi quan hệ tình dục.
Suy thận: Nước tiểu ứ đọng trong thận lâu ngày âm thầm phá hủy nhu mô thận, dẫn đến teo thận, nhiễm khuẩn thận, suy giảm chức năng thận.
Rò niệu đạo qua da: Hẹp niệu đạo lâu ngày có thể hình thành điểm rò rỉ không thể tự lành giữa niệu đạo và tầng sinh môn (vùng nằm giữa hậu môn và bộ phận sinh dục) gây nhiễm trùng tiểu, áp xe vùng rò rỉ.
Theo bác sĩ Duy, hẹp niệu đạo có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy theo mức độ và chiều dài đoạn hẹp như nong niệu đạo, đặt stent niệu đạo, xẻ lạnh niệu đạo, phẫu thuật tạo hình niệu đạo. Trong đó, phẫu thuật tạo hình niệu đạo có hiệu quả cao hơn hẳn do loại bỏ hoàn toàn phần hẹp.
Bác sĩ Cao Vĩnh Duy khuyến cáo nam giới có tiền sử chấn thương dương vật, tầng sinh môn; từng can thiệp phẫu thuật qua niệu đạo mà xuất hiện triệu chứng bất thường đường tiểu cần đến bệnh viện khám. Xác định nguyên nhân, điều trị sớm giúp tránh phát sinh các biến chứng sức khỏe nguy hiểm trên.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |