Lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền, đó là đề xuất của đại biểu trong buổi thảo luận tại Quốc hội sáng 1/11. Thực tế 10 năm qua, lương và thu nhập nhà giáo vẫn được xem là thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều giáo viên phải nghỉ việc, chuyển việc, làm thêm việc khác nên chưa tròn vai và tâm huyết với nghề.
Đánh giá về đề xuất này, độc giả Thoa Nguyen nhận định: "Lương giáo viên đúng là thấp thật, nhưng xét về tổng thu nhập thì tôi thấy có sự chênh lệch rất lớn. Như ở Hà Nội, đa số các giáo viên chủ nhiệm đều tổ chức dậy thêm và hầu như tất cả phụ huynh đều cho con đi học thêm vì nhiều lý do khác nhau. Tính đơn giản, một lớp có sĩ số 50 học sinh, trong đó có 40 bạn đăng ký đi học thêm cô chủ nhiệm, mỗi tuần học hai buổi, mỗi buổi 1,5 - 2 giờ, học phí 80.000 - 150.000 đồng một buổi tùy giáo viên.Như vậy liệu có thể nói giáo viên không đủ sống không?".
Đồng tình với đề xuất tăng lương giáo viên, tuy nhiên, bạn đọc Danhvsg yêu cầu cần có sự ràng buộc về trách nhiệm: "Lương giáo viên cần cao hơn là một nguyện vọng chính đáng. Tôi cũng đồng ý nên có phụ cấp vùng miền cho nhà giáo để phù hợp với đời sống mỗi địa phương. Tuy nhiên, đổi lại, chúng ta cũng cần bắt buộc giáo viên phải toàn tâm toàn ý khi giảng dạy trên lớp. Đặc biệt ở đây là vấn đề nghiêm cấm dạy thêm dưới mọi hình thức.
Ngành Giáo dục phải thường xuyên kiểm tra kiến thức chuyên môn định kỳ, cũng như kỹ năng sư phạm, tư cách đạo đức của giáo viên. Ai chưa đạt thì phải có một khoảng thời gian trau dồi và kiểm tra lại. Nếu người đó vẫn không đạt thì không được dạy học nữa. Hãy để nghề giáo trở lại là một nghề cao quý, dạy học sinh không chỉ kiến thức, mà còn biết cách làm một con người nhân hậu, có đạo lý...".
>> Tôi bỏ nghề giáo vì phải làm nhiều việc không công
Cùng chung quan điểm, độc giả Nguyentrminh nhấn mạnh sự cấp thiết của quy định cấm dạy thêm: "Tăng lương cho giáo viên là cần thiết, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều giáo viên dạy thêm có thu nhập còn cao hơn nhiều mức lương được đề xuất? Vậy sau khi được tăng lương, liệu họ có nghỉ dạy thêm không? Chất lượng giáo dục tại các trường học có tăng hay không? Hay vẫn lại tiếp tục tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan, thậm chí diễn ra ngay tại các trường học công lập?".
"Lương giáo viên cao thì họ sẽ toàn tâm chú trọng vào việc tăng chất lượng đề án giảng dạy cho học sinh ở lớp. Chứ nếu lương lẹt đẹt 4-5 triệu đồng một tháng mà phải nuôi thân, con cái, cha mẹ già thì làm sao họ chịu nổi. Tuy nhiên, đi kèm với việc tăng lương cũng phải có quy định gắt gao về việc cấm dạy thêm, dạy kèm của các giáo viên thuộc biên chế. Điều này cũng là tạo ra sự công bằng cho các học sinh, không em nào sợ bị làm khó vì không học thêm nhà thầy này, cô nọ", bạn đọc Krampus nói thêm.
Bàn về câu chuyện ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay, độc giả Nguyễn Tiến Dũng kết lại: "Hiện nay, tình trạng học thêm đang làm khổ học sinh và phụ huynh. Do đó, cần nghiêm cấm dạy thêm dưới mọi hình thức. Giáo dục không thể mãi chạy theo thành tích thông qua điểm số. Bao nhiêu năm đổi mới mà chúng ta chỉ toàn thấy cặp sách các con ngày một nặng, kiến thức ngày một nhiều.
Hãy thử xem xét thời gian học của các con đã hợp lý chưa? Buổi sáng, 6h các con đã phải dậy để chuẩn bị đến trường; buổi trưa chỉ được nghỉ một tiếng; buổi chiều lại học đến 17h; buổi tối tiếp tục phải học thêm đến 20h; sau đó lại phải tiếp tục hoàn thành bài tập về nhà đến khuya. Vậy các con lấy thời gian đâu để nghỉ ngơi và vui chơi?
Tại sao trẻ em các nước phương Tây không có áp lực học hành, bài tập gần như không có ở cấp tiểu học, mà họ vẫn giỏi và đất nước vẫn phát triển đến vậy? Trong khi ở ta, học sinh mầm non đã được bố mẹ cho đi học chữ, học số trước khi vào lớp 1. Bé nào vào tiểu học mà chưa biết mặt chữ, số sẽ bị giáo viên đánh giá là học kém, học yếu và cần phải học thêm. Giáo dục gây áp lực như vậy sẽ đem lại điều gì?".
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.