Trả lời:
Tăng huyết áp là một trong những nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não, đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim). Tình trạng này có thể để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt nửa người, suy tim, suy thận, hôn mê và tử vong.
Huyết áp của người trưởng thành bình thường khoảng 120/80 mmHg. Nếu chỉ số trên 140/90 mmHg là huyết áp cao. Triệu chứng tăng huyết áp ở người lớn tuổi thường bị bỏ qua, nếu không đo huyết áp có thể chưa phát hiện tình trạng bệnh.
Huyết áp cao gây tăng áp lực lên các mạch máu khắp cơ thể, trong đó có các động mạch não, động mạch vành nuôi tim. Tình trạng này diễn ra thường xuyên khiến thành mạch bị giãn và xuất hiện tổn thương. Nếu áp lực dòng máu đột ngột tăng cao có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây xuất huyết não. Ngoài ra, tình trạng rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol bão hòa thường gặp ở người cao huyết áp làm cho thành mạch bị dày lên, xuất hiện mảng bám xơ vữa, lâu dài bít tắc mạch máu gây nhồi máu não và nhồi máu cơ tim.
Tim phải làm việc nhiều hơn duy trì quá trình lưu thông máu để thắng được sức cản ngoại biên (tình trạng huyết áp cao). Ban đầu tim tăng khối lượng cơ, phì đại các thành tim từ đó làm giảm khả năng giãn nở hút máu về của tim (còn gọi là tình trạng suy tim tâm trương). Sau đó, nếu huyết áp cao vẫn không được kiểm soát, buồng tim giãn ra, giảm khả năng co bóp tống máu, dẫn đến suy tim tâm thu và suy tim toàn bộ.
Đột quỵ não và đột quỵ tim có thể điều trị nếu được phát hiện sớm. Thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ não là 3,5-4 giờ đầu kể từ khi có dấu hiệu khởi phát. Các triệu chứng đột quỵ não bao gồm méo mặt, khó nói, suy giảm thị lực, đau đầu đột ngột, khó giữ thăng bằng... Với đột quỵ tim, các triệu chứng có thể là khó thở, mệt mỏi khi gắng sức, đau thắt vùng tim... Thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ tim là 2 giờ đầu.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ghi nhận nhiều người bị đột quỵ không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác như rối loạn chức năng tiền đình, đau dạ dày. Vì vậy, tầm soát đột quỵ não, đột quỵ tim là điều quan trọng. Nếu bệnh được phát hiện sớm, khả năng điều trị cao, hạn chế biến chứng. Người mắc bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu... cần được bác sĩ tư vấn cụ thể nhằm hạn chế nguy cơ đột quỵ.
Để phòng ngừa đột quỵ, người bệnh cần quản lý và điều trị tốt tăng huyết áp, khám theo lịch hẹn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc. Chế độ ăn dinh dưỡng cần hợp lý, tập thể dục phù hợp với thể trạng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ kèm theo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành trong độ tuổi 30-79 trên thế giới bị tăng huyết áp.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Duyên
Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |