Kế hoạch di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi trung tâm đã được đề ra từ nhiều năm trước và một số bộ, ngành đã chuyển về trụ sở mới ở phía Tây Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, các trường đại học vẫn cố bám trụ lại "đất vàng" nội đô thay vì sớm di dời theo kế hoạch.
Đánh giá về thực trạng này, độc giả Ttvn nêu quan điểm: "Di dời các trường đại học ra khỏi nội đô là nhiệm vụ quan trọng nhất, đáng lẽ phải được thực hiện nghiêm túc từ 10-15 năm trước. Năm nào cũng có hàng vạn sinh viên mới nhập học, cộng thêm các khóa học trước đó nữa, tất cả hầu như đều phải đi lại trên đường phố trung tâm, tạo áp lực rất lớn lên giao thông. Trong khi đó, môi trường học tập vốn không nhất thiết phải ở nội đô, cần không gian rộng rãi thoáng đãng để tập trung nghiên cứu, giảng dạy".
Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Lys phân tích: "Cần di dời gấp các cơ quan nhà nước, trường đại học, bệnh viện công ra khỏi nội đô. Đồng thời, quy hoạch di dời hai bên sông Hồng để phát triển khu đô thị, tạo cảnh quan phát triển du lịch. Trường học và bệnh viện công mới là nguyên nhân gây tắc nghẽn, quá tải vì số lượng bệnh nhân và sinh viên từ các tỉnh khác ùa về rất nhiều. Đồng thời, đây cũng cũng giảm chi phí cho nhiều người ngoại tỉnh đến khám và học như thuê nhà ở trọ, ăn uống... Bên cạnh đó, trường học và bệnh viện công mới dễ dàng di dời vì trên đất công. Ở đây, xin nhấn mạnh là phải di dời chứ không phải xây dựng thêm cơ sở ở xa".
"Di dời để các trường có quỹ đất phát triển là mục tiêu phụ vì nhiều trường thực ra đã có cơ sở 2 rồi. Ngay cả trường đại học Bách Khoa cũng từng có cơ hội di dời nhưng vì nhiều người vẫn muốn bám đất trung tâm thành phố nên lỡ cơ hội. Mục tiêu chính của việc di dời là để quy hoạch lại đô thị cho hài hòa, giảm mật độ dân số", độc giả Hom Thu nói thêm.
>> 'Quy hoạch đất ở xã hội để giãn dân'
Sử dụng quỹ đất thế nào sau khi di dời trường đại học ra khỏi nội đô, bạn đọc Hung Thanh bình luận: "Di dời các trường Đại học, trụ sở các cơ quan hành chính ra khỏi nội đô là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, cần có bài toán về quy hoạch tổng thể tránh tình trạng: không trả lại trụ sở cũ, chiếm giữ cả hai nơi với muôn vàn lý do, hoặc dùng quỹ đất xây dựng chung cư thương mại cao tầng làm tăng mật độ dân cư sẽ là bài toán ngược. Nên cần có giải pháp đồng bộ về kết nối các phương tiện giao thông từ nội đô ra các vành đai ngoại ô. Quỹ đất sau khi di dời phải thu hồi làm làm các trường phổ thông, mầm non và các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, hồ điều hòa...".
Cùng chung nhận định, độc giả Fool đề xuất: "Dời công sở, trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành nhưng phải biến tất cả những chỗ đó thành công viên, vườn hoa, bảo tàng, nhà hát, bãi đỗ xe, trạm trung chuyển xe buýt... thì mới tốt được. Ngoài ra, phải thiết lập được hệ thống giao thông công cộng thông suốt, tiện nghi, với tần suất cao kết nối nội đô với ngoại ô và các đô thị vệ tinh để giảm lượng xe cá nhân vào thành phố.
Nếu tỷ lệ phương tiện cá nhân vẫn như hiện tại thì không cách gì cứu vãn được hệ thống giao thông. Chúng ta phải khiến cho chi phí sở hữu và vận hành phương tiện cá nhân tại thành phố, đặc biệt là ôtô, cao hẳn lên để kiềm chế tăng trưởng. Hệ thống xe buýt đã tiến bộ rất nhiều nhưng vẫn còn xa mới đáp ứng được nhu cầu đi lại cơ bản của đa số người dân. Tỷ lệ người đi xe buýt đã tăng nhanh, đòi hỏi phương tiện phải cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng số tuyến, số đầu và lượt xe, phạm vi bao phủ rộng hơn nữa".
Lê Phạm tổng hợp