Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư phổi cũng có các triệu chứng giống như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Tuy nhiên, không khó để có thể chủ động tầm soát và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Theo bác sĩ Thảo Nghi, người có yếu tố nguy cơ cao (như hút thuốc nhiều và trong thời gian kéo dài, tiếp xúc với khói bụi...) nên chủ động tầm soát bệnh ung thư phổi bằng cách chụp CT phổi liều thấp. Người không có các yếu tố nguy cơ cao, có thể tầm soát bằng cách chụp X-quang phổi (X-quang ngực thẳng) hoặc cũng có thể chụp CT phổi liều thấp.
![Hệ thống chụp CT 768 lát cắt giúp tầm soát phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm tại Bệnh viện Tâm Anh. Ảnh: Quỳnh Châu](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/07/07/ct768-2886-1688686365-16887016-3055-4341-1688702229.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0rwyPBlmO3jLRqKhTo3R7A)
Hệ thống chụp CT 768 lát cắt giúp tầm soát phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm tại Bệnh viện Tâm Anh. Ảnh: Quỳnh Châu
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, hệ thống máy CT 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp chụp CT phổi liều thấp với tốc độ quay nhanh hơn, quan sát đa diện, có thể phát hiện nốt phổi kích thước nhỏ chỉ 2-3 mm. Hệ thống giúp giảm tỷ lệ bỏ sót tổn thương.
"CT phổi liều thấp giúp phát hiện sớm các tổn thương, là phương pháp tầm soát hiệu quả cho bệnh ung thư phổi. Việc lựa chọn CT phổi liều thấp hay X-quang ngực thẳng cần có sự tư vấn của bác sĩ, sau khi đã hỏi bệnh sử, các yếu tố nguy cơ và thăm khám bệnh nhân", bác sĩ Thảo Nghi nói.
Bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn càng sớm, cơ hội điều trị thành công càng cao. Phương pháp điều trị đúng và phù hợp với từng bệnh nhân là một trong những yếu tố then chốt quyết định tỷ lệ đáp ứng với điều trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giai đoạn bệnh, tế bào ung thư, các xét nghiệm đột biến, xét nghiệm về khả năng đáp ứng miễn dịch, sức khỏe người bệnh và các bệnh lý nội khoa đi kèm.
Theo bác sĩ Thảo Nghi, điều trị phối hợp đa mô thức và cá thể hóa cho từng bệnh nhân riêng biệt giúp tăng cơ hội đáp ứng với điều trị, tăng tỷ lệ sống còn cho người bệnh.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hơn 80% trường hợp u phổi giai đoạn sớm có chỉ định phẫu thuật nội soi. Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống camera cho hình ảnh rõ nét, bác sĩ có thể nhìn rõ tổn thương cũng như mối liên hệ của các tổn thương với các cấu trúc xung quanh. Điều này giúp loại bỏ các tổn thương chính xác, triệt để hơn.
Phẫu thuật nội soi cho phép tiếp cận gần hơn với các vị trí hẹp, từ đó, dễ dàng loại bỏ tổn thương hoặc khâu nối thuận lợi. Phẫu thuật này ít gây chảy máu, ít xâm lấn giúp bệnh nhân mau hồi phục. Bác sĩ Dũng đánh giá điều này có giá trị rất lớn đối với bệnh nhân ung thư vì thời gian phục hồi càng ngắn thì người bệnh sớm được tiếp cận với các điều trị tiếp theo (như hóa trị hoặc xạ trị).
![TS.BS Nguyễn Anh Dũng (bên phải) trong một ca phẫu thuật nội soi cho người bệnh. Ảnh: Quỳnh Châu](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/07/07/noi-soi-1863-1688686365.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cC4Zu_fgo70jY8v1ZJJL2w)
TS.BS Nguyễn Anh Dũng (bên phải) trong một ca phẫu thuật nội soi cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Với những trường hợp khối u ở vị trí nguy hiểm (gần trung tâm, gần các mạch máu...), bác sĩ sẽ lựa chọn mổ hở. Tuy nhiên, kỹ thuật mổ hở ngày nay cũng được hỗ trợ bởi phương tiện hình ảnh như camera, video giúp bác sĩ thao tác thuận lợi và hiệu quả hơn.
Bác sĩ Thảo Nghi nhấn mạnh, với sự tiến bộ của phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng, dù phát hiện bệnh ở giai đoạn 3, 4 nhưng nếu người bệnh đáp ứng với điều trị thì cơ hội sống vẫn cao. Do đó, người bệnh nên chọn cơ sở uy tín và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Nguyên Phương