Ảnh hưởng của chậm tăng cân tới sức khoẻ
Chậm tăng cân, thiếu cân là tình trạng trẻ ngừng tăng cân hoặc tăng cân dưới chuẩn liên tục từ 2 - 3 tháng, tính theo bảng đánh giá tình trạng dinh dưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Khi trẻ không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, thiếu năng lượng trong thời gian dài, cơ thể trẻ sẽ đáp ứng bằng cách chậm tăng trưởng, biểu hiện chính xác là hạn chế phát triển chiều cao. Đây cũng là căn nguyên của hàng loạt bệnh lý nguy hiểm sau này như suy dinh dưỡng, thấp còi, rối loạn tăng trưởng, hấp thu kém...
Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của trẻ có cân nặng thấp hơn chuẩn cũng thường kém hơn, sức đề kháng yếu hơn và dễ mắc bệnh hơn. Điều này càng nguy hiểm khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp và có thể tấn công bất cứ ai có sức đề kháng kém, chưa được bảo vệ bằng vaccine đặc hiệu.
Theo số liệu thống kê của Viện dinh dưỡng Quốc gia năm 2020, tình trạng thấp còi ở trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi chiếm 19,6%, nghĩa là cứ 5 trẻ sẽ có 1 trẻ suy dinh dưỡng thấp còi.
"Việc giãn cách lâu ngày khiến cho thực phẩm trở nên khan hiếm hơn, chế biến thức ăn không đa dạng, không cân bằng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần, là nguyên nhân khiến tình trạng chậm tăng cân, thiếu cân của trẻ gia tăng", Phó giáo sư Lê Bạch Mai - nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc y khoa Hệ thống phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, nhận định. Theo bà Mai, ở trong nhà lâu ngày, trẻ bị hạn chế vận động, vui chơi, năng lượng không được 'giải phóng' đúng cách cũng sinh ra tâm lý buồn chán, dễ cáu gắt và ăn uống không ngon miệng. Điều này lại càng nguy hiểm hơn đối với các trẻ nhỏ vốn đang trong tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng thấp còi.
Dinh dưỡng và vận động phù hợp giúp tăng cân đúng chuẩn
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tăng cân của trẻ, trong đó dinh dưỡng và vận động được xem là 2 nguyên nhân chính yếu.
Để trẻ tăng cân đúng chuẩn, nâng cao sức đề kháng, bố mẹ cần duy trì cho trẻ chế độ ăn uống đa dạng thực phẩm, đầy đủ các nhóm chất trong khẩu phần ăn mỗi ngày bao gồm: chất bột đường (bánh mì, cơm, nui, bún, phở, bắp, khoai...), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa...), chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật, các loại hạt, bơ...), vitamin và khoáng chất (các loại rau xanh và trái cây...)
Nhiều trẻ chậm tăng cân đến khám tại Nutrihome cho thấy gia đình quá ưu tiên việc bổ sung cho trẻ chất đạm và tinh bột mà chưa thật sự chú trọng lượng rau xanh và hoa quả trong khẩu phần ăn hằng ngày. Chất xơ giúp nhóm vi khuẩn chí đường ruột tăng trưởng tốt và ức chế nhóm vi khuẩn có hại, đồng thời nhóm vi khuẩn có lợi này giúp tăng cường chức năng của ruột, giúp bé hấp thu thức ăn tốt, dễ dàng tăng cân hơn. Mặt khác các nhà khoa học cũng đã chỉ ra, có đến 70-80% tế bào hệ miễn dịch nằm trong hệ ruột. Vì vậy, duy trì sức khỏe đường ruột cũng là bảo vệ hệ miễn dịch khỏe mạnh. Trong thời điểm dịch bệnh này, bố mẹ càng không nên lơ là bổ sung chất xơ cho trẻ.
Phải ở trong nhà suốt thời gian giãn cách, nhiều trẻ em không thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là trẻ em trong các khu nhà trọ, con hẻm kín, dẫn tới thiếu hụt vitamin D từ ánh sáng mặt trời, đề kháng sẽ kém đi, nguy cơ nhiễm Covid-19 có thể tăng lên. Do đó, trẻ cần được bổ sung vitamin D qua các nguồn thực phẩm hằng ngày như cá, trứng, sữa, cá mòi, cá ngừ..., hoặc có thể dùng các viên uống bổ sung vitamin D, nhưng phải được bác sĩ tư vấn.
Bố mẹ lưu ý nên cho trẻ ăn đúng giờ, đủ 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Mỗi bữa ăn không nên kéo dài quá 30 phút. Bên cạnh đó, nên cho trẻ uống đủ lượng nước cơ thể cần theo độ tuổi, có thể dùng nước lọc, nước ép trái cây tươi, sữa...
Do trẻ không có điều kiện chơi đùa - vận động ngoài trời, bố mẹ cần khuyến khích trẻ làm việc nhà, tập các bài tập vận động trong nhà, hít đất, nhảy dây. Nên cho trẻ vận động ít nhất 30 phút ngày. Việc vận động thường xuyên giúp kích thích cơ thể giải phóng nhiều hormone tăng trưởng GH, đẩy mạnh chuyển hóa năng lượng, kích thích trẻ thèm ăn và ăn ngon miệng hơn.
Lượng hormone tăng trưởng "đạt đỉnh" vào khoảng 22h - 1h sáng (khi trẻ ngủ say), nên Phó giáo sư Mai khuyên trẻ tốt nhất nên ngủ trước 21h, khoảng thời gian này đảm bảo cơ thể tận dụng tối đa lượng hormone tăng trưởng quý giá này.
Cuối cùng, để bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ, bố mẹ cũng đừng quên nhắc trẻ thực hiện các biện pháp phòng dịch được khuyến cáo, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách, không chạm tay vào mắt - mũi - miệng, tăng cường vệ sinh cá nhân...
"Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, vận động thường xuyên giúp hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh hơn, tăng cân đúng chuẩn. Đây cũng chính là 'liều vaccine' mà mỗi gia đình có thể tự phòng bị cho trẻ trước sự tấn công của SARS-CoV-2", Phó giáo sư Mai nhấn mạnh.
Anh Ngọc