Gần đây, tôi đọc thấy có nhiều bài viết về câu chuyện sinh con và những gánh nặng tài chính liên quan. Cá nhân tôi nghĩ con số thực tế thậm chí còn vượt xa những gì được thống kê. Nhưng tôi thấy, vấn đề chính cho việc sinh con hay không không phải là tiền mà là các giá trị vô hình khác.
Tôi năm nay gần 30 tuổi, là một cô gái làm trong ngành tài chính, đang độc thân. Có thể trong đầu mọi người sẽ nghĩ ra hình ảnh một bà cô già cau có, khó tính, nhưng thật ra, ngoại hình tôi được đánh giá là khá ưa nhìn, trẻ hơn so với tuổi nhờ tôi tập luyện thể thao đều đặn, ăn mặc gọn gàng. Nhiều khi đi học thêm buổi tối, nhiều bạn nhỏ hơn ba, bốn tuổi vẫn nghĩ tôi bằng tuổi họ. Tôi vẫn chưa kết hôn, có thể do những quan điểm bản thân khác biệt, không đi theo lối mòn của số đông.
Có hai vấn đề chính xung quanh câu chuyện sinh con mà tôi muốn chia sẻ:
Thứ nhất, mọi người thường nói "nếu không sinh con thì về già ai nuôi", hoặc cho rằng "người già thường cô đơn khi không chồng, không con". Nhưng quan điểm của tôi lại khác, nếu có gia đình và có con, tôi hy vọng con mình khi trưởng thành có thể sống cuộc đời của riêng chúng, làm những điều chúng thích, sống ở nơi chúng muốn mà không phải bận tâm bất cứ điều gì về cha mẹ.
Tôi và chồng (nếu may mắn còn ở được với nhau đến lúc đó) khi không còn tự chăm sóc cho bản thân được nữa, sẽ vào viện dưỡng lão, để những người chuyên nghiệp chăm sóc chuyện ăn uống, vệ sinh. Tôi muốn con cái đến thăm, trò chuyện với mình như những người bạn mà không có gánh nặng phải phụng dưỡng, phục vụ.
>> Thạc sĩ 44 tuổi không sinh con
Cuộc sống của chúng ta vốn là một loạt những sự đánh đổi. Lẽ thường, con người ta ai cũng muốn làm việc năng suất cao để có thu nhập tốt; muốn dành thời gian cho gia đình nhỏ, nuôi dạy con cái; muốn thường xuyên được về thăm, báo hiếu cho cha mẹ già; muốn rèn luyện sức khỏe, chăm sóc bản thân; muốn học tập, nghiên cứu để nâng cao tri thức; muốn có thời gian dành cho giải trí, sở thích cá nhân, đọc sách, du lịch; muốn được gặp mặt, đi chơi với bạn bè; muốn ngủ đủ tám tiếng... nhưng chúng ta lại chỉ có 24 giờ đồng hồ. Nói vậy để thấy, ta bắt buộc phải lựa chọn bỏ cái này, chọn cái kia vì bị giới hạn bởi thời gian một ngày.
Nếu có con, có thể chúng ta sẽ phải dẹp bớt một số thói quen, như ngủ ít đi, hy sinh sở thích cá nhân, hoặc thời gian cho công việc, hoặc rèn luyện sức khỏe... để dành thời gian cho những đứa con của mình, từ năm chúng ta 30 tuổi đến năm 60. Đổi lại sau đó, con cái sẽ chăm sóc chúng ta thêm 10, 20 năm. Còn không, có thể giai đoạn tiếp theo của cuộc đời ta sẽ là chăm cháu và tự chăm mình.
Tôi một lần nữa không bàn đến về niềm vui và cảm giác thành tựu khi nuôi nấng con cái, vì chắc hẳn những người không có con cũng sẽ có những niềm vui và hạnh phúc khác, chưa hẳn niềm vui của người nào cao quý hơn người nào. Tôi xác định khi về già sẽ không để con mình vướng bận chăm sóc mình, nên dù có con hay không, đến tầm đó tôi cũng sẽ vào viện dưỡng lão. Vậy thì tại sao những năm 30-60 tuổi này, tôi không thể chọn khác đi, chẳng hạn như sống cho chính bản thân mình?
Không lẽ những người lựa chọn sống vì bản thân, không có con cái lại là ích kỷ, là sai sao? Chẳng thà tôi sinh con mà tôi không lo cho nó thì bị mang tiếng ích kỷ, đằng này tôi đã lựa chọn không có con. Nếu hiểu "ích kỷ" theo khái niệm là "chỉ biết lo lắng, suy nghĩ luôn hướng đến bản thân mình, mà không quan tâm đến những người xung quanh khác". Vậy những người không có con ích kỷ với ai vậy?
Thứ hai, nhiều người tìm được ý nghĩa cuộc đời khi có con, được nuôi dạy và chứng kiến con mình lớn lên từng ngày. Có lẽ do thấu hiểu những nỗi vất vả, khổ cực, hy sinh của những trường hợp xung quanh mình khi nuôi dạy một (vài) đứa trẻ đã làm tôi không mấy thích thú khi đặt mình trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều bậc cha mẹ khi đọc những dòng này của tôi có thể phản bác rằng "có con rồi sẽ thấy những vất vả, hy sinh đó đều rất xứng đáng". Tôi nghĩ điều này là hợp lý, tôi hoàn toàn tán thành, nhưng nếu có thể chủ động không lựa chọn để mình ở trong hoàn cảnh đó, để không phải "tự nguyện" hy sinh vì con thì có gì là sai?
Đi sâu vào vấn đề hy sinh này, tôi thậm chí suy nghĩ ra ba trường hợp nếu tôi có con: Trường hợp thứ nhất, con tôi khỏe mạnh, lành lặn, ngoan ngoãn từ khi chào đời, đến lúc trưởng thành là một người tử tế, tốt bụng (tôi không hề hy vọng con mình trở thành ông này, bà nọ). Trường hợp thứ hai, kém may mắn hơn, con tôi bệnh tật, thậm chí bệnh hiểm nghèo. Và trường hợp cuối cùng, bất hạnh hơn cả, con tôi dính vào các tệ nạn xã hội, thậm chí cướp bóc, giết người...
Ở trường hợp đầu tiên, đó quả là một niềm hạnh phúc, là ước mơ của tất cả các bậc cha mẹ khi có con. Trường hợp thứ hai là một sự xui rủi, nhưng là xác suất có thể xảy ra. Khi đó, dù cho tốn bao nhiêu tiền, thậm chí bán tất cả tài sản để cứu con thì cha mẹ nào cũng sẵn sàng. Lại quay về vấn đề đã nói ở trên, nghĩa là nếu tôi có con, chắc chắn tôi sẽ phải bán tất cả, thậm chí hy sinh tính mạng cho con mình. Nhưng nếu ngay từ đầu tôi lựa chọn không có con, để không rơi vào trường hợp này thì sao? Còn trường hợp thứ ba, chắc có lẽ tôi thà không có con còn hơn.
>> Nhà giàu không đẻ nhiều con
Tôi là người hay đánh giá rủi ro và dự tính trước các giải pháp. Cha mất từ lúc tôi 15 tuổi, mẹ là người đã hy sinh, lo cho tôi không thiếu thốn, thiệt thòi thứ gì, thậm chí còn nhỉnh hơn bạn bè vì mẹ thương tôi không cha. Tôi rất thương mẹ, có suy nghĩ rằng, nếu không may mẹ đau ốm, bệnh tật gì, tôi sẽ gom tất cả tài sản, nhà cửa, bảo hiểm của mình và gia đình, đến lúc cạn tiền, tôi cũng sẽ lo cho mẹ.
Tôi không dám nghĩ đến phần của chị mình, do chị tôi đã có gia đình riêng và ba con nhỏ. Tôi không kỳ vọng chị có thể lo cho mẹ được như tôi được vì chị còn phải đảm bảo cuộc sống cho ba đứa con của mình. Rồi tôi nghĩ, nếu mà lúc này mình cũng có con, chồng và các con tôi sẽ thế nào, không may con tôi cũng bệnh, chẳng lẽ tôi phải bớt phần của mẹ để lo cho con, hay là bớt phần của con để lo cho mẹ? Cái nào tôi cũng không làm được.
Có thể thực tế không phải ai cũng đến mức như vậy, cuộc sống không thể nào trắng đen rõ ràng như cách tôi nhìn nhận, không phải ai chăm sóc cho gia đình tốt là cũng không có thời gian cho bản thân... Có thể vài người sẽ lấy một vài chi tiết trong bài viết của tôi ra để bóc tách, phân tích và phản biện lại ý kiến này, nhưng tôi nghĩ bức tranh tổng thể của đại đa số mọi người có thể khái quát là ở trong vòng luẩn quẩn "lựa chọn và buông bỏ" đó.
Có thể một số ít người kiệt xuất biết cách quản lý thời gian một hiệu quả và dung hòa được mọi thứ, hoặc một số có kinh tế vững vàng đến mức có thể bỏ bớt một số điều mà tôi liệt kê ở trên. Nhưng đó chỉ là một số người nhất nhỏ so với đại đa số không thể toàn mỹ.
Tôi thấy một số người suy nghĩ rằng "không có con thì đi làm kiếm tiền, tích lũy tài sản để làm gì?". Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi thấy mình có giá trị, có ý nghĩa khi được đi làm, được đóng góp cho xã hội để thấy mình có ích, và mục đích kiếm tiền cũng không chỉ để lại cho con cháu. Vì vậy, công việc sẽ là lựa chọn của tôi.
Một số người hỏi tôi "lựa chọn như vậy không thấy cô đơn sao?", hoặc "sống đến năm những năm 60 tuổi đi rồi biết cái cảnh cô đơn một mình thế nào?", hoặc "cô này không bao giờ hiểu được niềm vui khi chứng kiến được một đứa trẻ trưởng thành"... Tôi nghĩ tôi hiểu tất cả những điều đó, khi tôi trông thấy niềm hạnh phúc và hãnh diện của mẹ tôi khi kể với bạn bè về những đứa con của bà; hoặc khi chứng kiến sự biến đổi kỳ diệu của chị mình, trở thành một người sống có trách nhiệm, biết trái phải, yêu thương mẹ mình hơn từ ngày chị có con...
>> Sai lầm sinh nhiều con làm 'tài sản' dưỡng già
Có một câu nói trong cuốn sách "Đi tìm lẽ sống" của Viktor E. Frankl mà tôi rất tâm đắc, mỗi khi trong cuộc sống gặp bế tắc, chẳng hạn như đợt dịch vừa rồi, nguyên văn là: "Everything can be taken from a man but one thing: the last of the human freedoms—to choose one’s attitude in any given set of circumstances, to choose one’s own way". Tạm dịch: "Người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do – tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, và tự do lựa chọn hướng đi của mình".
Thật ra, bản thân tôi thấy cảm giác cô đơn không quá tệ, chí ít là tôi rất tận hưởng nó, đổi lại tôi có được sự tự do. Đây là điều có ý nghĩa và giá trị quan trọng nhất đối với tôi. Tôi có tự do trong tư duy, trong suy nghĩ, trong cách sống, trong tinh thần, trong vật chất (tôi sống khá tối giản, không phụ thuộc nhiều vào đồ vật, nhưng tôi vẫn chưa đến mức tự do tài chính, và đang cố gắng để đạt được điều đó).
Tôi có thể tự do quyết định nơi mình muốn đi, điều mình muốn làm trong bất cứ thời điểm nào mà tôi muốn. Tôi có thời gian kết nối với bản thân, để biết mình cần gì, muốn gì và làm như thế nào? Khi có được sự tự do, tỉnh táo và hiểu được chính mình, tôi không thấy mình lạc lõng, bơ vơ hay buồn bã. Điều này tránh dẫn đến trường hợp mà rất nhiều người đã thỏa hiệp với cuộc đời khi cho rằng mình cần có một mối quan hệ để "thuộc về" như vợ chồng, con cái... nếu không cuộc đời sẽ mất hết ý nghĩa.
Có thể một vài năm nữa, ở một giai đoạn khác của cuộc đời, suy nghĩ của tôi sẽ khác đi. Thậm chí, tôi có thể gặp được một người khiến mình thay đổi suy nghĩ về việc có con. Nhưng hiện tại, tôi rất tận hưởng cuộc sống độc thân và tự do của mình, không có áp lực "30 tuổi lấy chồng, sinh con" như đa số bạn bè còn độc thân xung quanh.
Những điều mà tôi nói trên đây không nhằm mục đích nâng ai (vì họ chọn lựa giống mình) hay dìm ai (vì họ nghĩ khác). Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống và thái độ sống phù hợp với bản thân mình. 20/10 sắp đến gần, xin chúc tất cả chị em phụ nữ luôn được bình an, hạnh phúc và vui tươi. Dù lựa chọn của bạn có như thế nào đi chăng nữa, hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. "Làm gì có trăm năm mà đợi, làm gì có kiếp sau mà chờ", hãy luôn yêu thương bản thân mình.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.