Theo tôi, vấn đề "đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão" đang bắt đầu thực sự đi vào cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình trong đà thăng tiến của xã hội Việt Nam ngày nay. Câu hỏi về những ngày tháng khi tới tuổi về hưu dưỡng già sẽ thế nào, trước kia (khoảng hai, ba thập niên về trước), gần như là không có. Bởi theo quan niệm của người Việt, chúng ta rất chú tâm vào câu nói: "Trẻ cậy cha, già cậy con".
Thế nhưng ngày nay, đã có những người muốn thay đổi tư duy này. Có những người mong muốn cuộc sống thông thoáng hơn, để cuộc đời thư giãn. Nhưng khốn nỗi, xã hội của chúng ta vẫn còn nhiều vướng bận, cho nên có muốn tiến tới cũng rất khó. Thậm chí, không chừng còn bị gán cho cái mác "sính ngoại".
Tư duy cần thay đổi. Nếu sinh ra con cái, chúng ta phải có bổn phận nuôi dưỡng cho tới lúc chúng ăn học xong, để rồi sau đó hãy để cho chúng tự lực cánh sinh. Phần còn lại cuộc đời là để đi làm, đóng góp cho tương lai của chính mình và xã hội. Như vậy, đến khi về già, ta chẳng còn phải lo lắng, chờ đợi về kinh tế từ phía con cái. Khi ấy, ta cũng không làm gánh nặng cho con cái và dĩ nhiên con cái cũng không được mong chờ gì nơi cha mẹ.
Chính tâm lý phải lo lắng cho con cái tới "tận răng", thậm chí khi chúng có gia đình riêng rồi, nhiều bậc cha mẹ vẫn còn phải bận tâm, can thiệp vào cuộc sống của chúng, hoặc các cháu nội, ngoại... đã trở thành rào cản liên quan tới kinh tế của các bậc cha mẹ khi bước vào tuổi già. Nếu không thể làm được những việc đó thì tốt nhất đừng sinh con, đẻ cái làm gì, để rồi mong chờ sau này chúng phải trả hiếu nọ kia. Và cũng xin đừng quên rằng không có một đứa trẻ nào có thể tự quyết định để sinh ra đời cả.
>> Để tiền vào viện dưỡng lão thay vì cho con thừa kế
Nhiều người lo lắng đến việc không đủ thời gian để dành dụm cho những năm tháng về già. Tôi cho rằng, sau khi đã làm tròn những bổn phận của bậc cha mẹ (trên dưới 20 năm), chúng ta vẫn còn thừa thời gian để chuẩn bị cho những năm tháng cuối đời không phụ thuộc vào con cái. Với số tiên lương hưu (tuy không nhiều), với một số vốn dành dụm đường dài, mỗi người vẫn có thể đủ để chi phí trong những nhà dưỡng lão, trung tâm chăm sóc... Nếu bạn có nhà cửa, thì có thể bán đi, để tiền vào một sổ tiết kiệm hoặc cho thuê căn nhà để có một thu nhập thêm nhằm chi phí cho những ngày tháng nghỉ ngơi được thoải mái hơn.
Điều quan trọng là bạn phải thực sự buông thả con cái ra, một khi chúng đã đủ lông, đủ cánh để bay vào đời. Bỏ bớt áp lực cá nhân và cho cả con cháu, chắc chắn bạn sẽ được thoải mái đôi đường để tự lựa chọn con đường tương lai. Sự thật việc này không quá khó khăn. Vấn đề là liệu bạn có chấp nhận được sự lựa chọn này hay không?
Các phương tiện, cùng các nhà dưỡng lão, trung tâm nuôi dưỡng rồi cũng sẽ phát triển theo thời cuộc. Tuy nhiên, việc xây dựng trung tâm cũng như đào tạo những cán sự để phục vụ trong các viện dưỡng lão không thể một sớm, một chiều là được. Không phải ai cũng có thể làm được những công việc đó nếu không có bài bản.
Do đó, rất cần phải có một lộ trình huấn luyện chuyên môn, kèm theo những khóa học về tâm lý cho công việc này. Cũng đừng quên rằng, những người chọn vào nhà dưỡng lão sau này, sẽ có những đòi hỏi cao hơn nhiều so với thế hệ hiện nay.
>> Bạn nghĩ sao về việc con cái gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.