PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ, các triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh có thể bị bỏ sót hoặc phát hiện trễ. Trong khi đó, khoảng 10-15% trẻ sơ sinh bị tim bẩm sinh nặng cần phẫu thuật hoặc điều trị thuốc ở bệnh viện trong tháng đầu đời. Vì thế, việc phát hiện sớm từ trong bào thai sẽ giúp các bác sĩ chủ động xây dựng phác đồ chăm sóc, điều trị cho trẻ ngay sau sinh.
Theo dõi thai nhi bệnh tim bẩm sinh từ trong bụng mẹ
Vợ chồng anh Duy Quang (TP HCM) phát hiện thai nhi có dị tật tim phức tạp từ tuần thai 17. Bé bị thông liên thất lớn, thiểu sản động mạch chủ. Vợ chồng anh tìm đến nhiều cơ sở y tế, thực hiện nhiều xét nghiệm (như NIPT, gene, kể cả chọc ối) nhưng các bác sĩ vẫn chưa đưa ra hướng điều trị rõ ràng vì em bé bị dị tật tim bẩm sinh thể nặng, phức tạp. Không từ bỏ cơ hội, anh chị tìm đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ 3 chuyên khoa lớn của bệnh viện là Sản - Tim mạch - Sơ sinh đã tiến hành hội chẩn và quyết tâm hợp lực cứu bé với phác đồ theo dõi, điều trị từ tuần 26 thai kỳ.
Khi em bé được 7 ngày tuổi, các bác sĩ thực hiện thành công ca mổ tim. Ca mổ được thực hiện với sự phối hợp liên bệnh viện, cụ thể là sự hỗ trợ thuốc hiếm từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội; sắp xếp phẫu thuật từ Viện Tim TP HCM với bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên - cố vấn phẫu thuật Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Hiện em bé khỏe mạnh, sức khỏe ổn định và cần tiếp tục theo dõi đến trưởng thành.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng theo dõi thai kỳ cho một thai phụ có tiền căn đái tháo đường type 2. Chị từng 11 lần thất bại thụ tinh ống nghiệm (IVF), trong lần mang thai này phát hiện bất thường tim thai khi siêu âm 4D cho thấy em bé không có lỗ van động mạch phổi kèm vách liên thất kín, thiểu sản van 3 lá, thiểu sản thất phải. Đây là trường hợp thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ và can thiệp sớm sau sinh. Do đó, các bác sĩ đã hội chẩn để xây dựng phác đồ chăm sóc cho bé từ lúc còn trong bào thai đến khi chào đời. Ngay sau sinh, bé được chăm sóc tích cực tại Trung tâm Sơ sinh, truyền PGE1 (một loại thuốc cần thiết trong điều trị tim bẩm sinh) để giữ ống động mạch mở và phối hợp với bệnh viện bạn đặt stent ống động mạch lúc 5 ngày tuổi. Hiện sức khỏe bé ổn định và tiếp tục theo dõi định kỳ với các bác sĩ khoa Tim bẩm sinh.
Can thiệp kịp thời cứu sống nhiều trẻ dị tật tim bẩm sinh
Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, tim bẩm sinh là một trong những bệnh phổ biến trong nhóm bệnh dị tật bẩm sinh ở trẻ em với tỷ lệ khoảng 8/1.000 em bé chào đời. Bệnh có nguy cơ tử vong cao và biến chứng phức tạp nếu không được tầm soát, điều trị sớm. Một số dị tật tim bẩm sinh thường gặp ở trẻ gồm: Nhóm bệnh tim bẩm sinh có tắc nghẽn: hẹp van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi, hẹp dưới van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, van động mạch chủ 2 mảnh... Nhóm dị tật khiếm khuyết vách ngăn: Thông liên nhĩ, thông liên thất, kênh nhĩ thất... Nhóm bệnh tim bẩm sinh tím: tứ chứng Fallot, thất phải 2 đường ra, không lỗ van 3 lá, chuyển vị đại động mạch, không lỗ van động mạch phổi vách liên thất kín/hở, hồi lưu bất thường tĩnh mạch phổi toàn phần, bất thường Ebstein...
Ngoài ra còn có nhóm các dị tật tim bẩm sinh khác như: hội chứng thiểu sản tim trái, còn ống động mạch...
BS.CKI Vũ Năng Phúc - Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thông tin thêm, hiện nay, nhờ sự tiến bộ của y học, các phương pháp tầm soát và chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh đã được thực hiện từ rất sớm, ở tuần 17-18 thai kỳ. Thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ được theo dõi sát sao cho đến khi chào đời. Trong thời gian đó, các bác sĩ sẽ tiến hành những cuộc hội chẩn, lên kế hoạch chăm sóc trẻ sau sinh, chọn thời điểm thích hợp để tiến hành phẫu thuật. Tất cả đều nhằm mục tiêu giúp trẻ chào đời an toàn, tránh biến chứng lâu dài.
Theo bác sĩ Nguyễn Phạm Thùy Linh - Phó khoa Phòng khám, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, trẻ sau khi được phẫu thuật tim cần có chế độ chăm sóc theo dõi đặc biệt để hồi phục nhanh và giảm thiểu di chứng. Hầu hết trẻ đều phát triển khỏe mạnh, có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt và vui chơi bình thường, song trong vài trường hợp trẻ cần hạn chế hoặc tránh những bộ môn vận động mạnh, thi đấu đối kháng... Bên cạnh đó, trẻ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các bất thường, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.
Để chủ động phòng ngừa dị tật tim bẩm sinh cho trẻ, TS.BS Nguyễn Thị Duyên - Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, ngay từ khi có kế hoạch mang thai, mẹ cần có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất; bổ sung đầy đủ các loại vi chất thiết yếu cho sự phát triển của thai nhi; không uống rượu bia, hút thuốc lá và các chất kích thích khác nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Trường hợp mẹ bị đái tháo đường, mắc các bệnh hệ thống..., cần xây dựng kế hoạch theo dõi, kiểm soát tốt bệnh nền trước khi mang thai và tham vấn bác sĩ về các loại thuốc đang dùng khi có ý định mang thai. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim bẩm sinh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về sàng lọc di truyền. Đặc biệt cần tiêm vaccine phòng bệnh Rubella và sởi trước khi mang thai.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 10.000 - 12.000 trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, chỉ 6.000 trẻ trong số đó được điều trị phẫu thuật, số còn lại đang trong giai đoạn chờ hoặc đã tử vong trước khi phát hiện bệnh. Ngay cả khi đã điều trị, trẻ cũng có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm khi trưởng thành như loạn nhịp tim, nhiễm trùng tim, tăng áp động mạch phổi, suy tim, đột quỵ... Tại Việt Nam, điều trị can thiệp và phẫu thuật triệt để bệnh tim bẩm sinh phát triển nhiều từ đầu thập niên 90 và đến nay đã có nhiều thành công. Điều này cũng đặt ra vấn đề là chúng ta cần có kế hoạch để chăm sóc, quản lý bệnh tim bẩm sinh ở người lớn tốt hơn.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội thông tin, bệnh tim bẩm sinh ở người lớn có thể gặp trong các trường hợp sau: người bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật từ nhỏ, tuy nhiên vẫn cần được chăm sóc nội ngoại khoa ở tuổi trưởng thành; người bệnh tim bẩm sinh chưa được phẫu thuật, cần khảo sát về chỉ định điều trị nội ngoại khoa và bệnh tim bẩm sinh không thể phẫu thuật cần chăm sóc nội khoa suốt đời. Các vấn đề cần được quan tâm theo dõi đối với bệnh tim bẩm sinh ở người lớn bao gồm: theo dõi các vấn đề ngoài tim ở bệnh nhân tim bẩm sinh ổn định, phát hiện và xử trí tiến triển bệnh lý và các biến chứng của bệnh cũng như theo dõi sau phẫu thuật sửa chữa.
Hà Châu
Vào lúc 20h tối nay 15/3, chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến chủ đề "Tiến bộ trong tầm soát và điều trị bệnh tim bẩm sinh từ bào thai đến trưởng thành" diễn ra trên fanpage báo điện tử VnExpress và fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, với sự tham gia của các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
TS.BS Nguyễn Thị Duyên - Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
BS.CKI Vũ Năng Phúc - Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
BS Nguyễn Phạm Thùy Linh - Phó khoa Phòng khám, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được chuyên gia giải đáp trong chương trình.