Sau khi được can thiệp đặt stent nhánh mạch vành, bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo (85 tuổi) giảm hẳn các triệu chứng nặng ngực, mệt, sức khỏe dần hồi phục, có thể sinh hoạt lại bình thường.
Bà Thảo có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường lâu năm. Gần đây, bà xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, cảm giác nặng ngực, khó thở ngay cả khi vận động nhẹ. Một tháng trước, bà có thể đi bộ quanh sân 15 phút hoặc lên xuống 2 tầng lầu. Tuy nhiên, hiện nay chỉ cần tập thể dục khoảng 5 phút hay lên một tầng lầu đã cảm thấy mệt. Sau khi nghỉ ngơi từ 5-10 phút, sức khỏe mới hồi phục trở lại.
Ngày 13/1, ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu, Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bệnh nhân có các cơn đau thắt ngực ổn định, độ nghiêm trọng đạt mức III theo phân loại của Hiệp hội Tim mạch Canada (CCS). Kết siêu âm tim gắng sức (có sử dụng thuốc Dobutamin) để khảo sát tình trạng tim mạch cho thấy dương tính, đồng nghĩa mạch máu tim bị hẹp, cần chụp mạch vành để biết rõ vị trí, mức độ hẹp.
Bà Thảo được chụp mạch vành bằng kỹ thuật Cardiac Swing chỉ với 7-8 ml thuốc cản quang (kỹ thuật bình thường có thể sử dụng đến 20-30ml), hạn chế ảnh hưởng đến thận. Kết quả cho thấy, bà hẹp nặng nhánh liên thất trước (nhánh chính) và nhánh bên thứ nhất. "Mặc dù là nhánh bên nhưng cũng là một mạch máu lớn, góp phần quan trọng trong chi phối máu ở vùng cơ tim nên cần phải can thiệp sớm. Êkip lựa chọn kỹ thuật DK Crush (Double Kissing Crush) bảo vệ 2 mạch máu, mang lại kết quả tối ưu", bác sĩ Hiếu thông tin.

Hình ảnh mạch máu tim được mở rộng sau can thiệp (hình B) so với lúc hẹp nặng đến 90% trước đây (hình A). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trước khi thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ tiến hành thực hiện siêu âm trong lòng mạch (IVUS) để đánh giá, đo đạc sang thương và chọn stent đường kính phù hợp. Đầu tiên, bác sĩ tiến hành đặt một stent nong nhánh bên trước để bảo vệ nhánh này phòng khả năng hẹp nặng hoặc tắc hoàn toàn. Sau đó, một stent khác tiếp tục được đặt vào vị trí tổn thương của nhánh chính. Cuối cùng, bác sĩ tiến hành nong bóng cùng lúc cả 2 nhánh nhằm đảm bảo stent ở 2 nhánh đều nở tốt, áp sát thành mạch, phòng ngừa tái hẹp sau đặt stent.
Đây là kỹ thuật can thiệp phù hợp đối với các tổn thương phức tạp, phân nhánh nhằm "giải cứu" đồng thời mạch máu chính, nhánh bên, giảm nguy cơ tái hẹp mạch máu. Để thực hiện kỹ thuật DK Crush, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề, bệnh viện có trang thiết bị hiện đại hỗ trợ cho thủ thuật.
Trước đây với trường hợp này, bác sĩ có thể ưu tiên đặt stent ở nhánh chính trước, còn nhánh bên sẽ được can thiệp sau. Tuy nhiên, điều này có khả năng dẫn đến hẹp nặng hoặc tắc hoàn toàn nhánh bên, dễ xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim mới, về lâu dài bệnh nhân sẽ bị suy tim hoặc đột quỵ.

Hệ thống can thiệp mạch với cánh tay robot xoay 360 độ hỗ trợ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh xử lý các tổn thương phức tạp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Tại bệnh viện Tâm Anh, nhờ sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA), áp dụng công nghệ StentBoost Live trong quá trình làm thủ thuật, bác sĩ có thể kiểm soát từng bước nong bóng, đặt stent chính xác, thông qua những hình ảnh chất lượng cao ở trong tim hiển thị trên màn hình. Ngoài ra, công nghệ siêu âm trong lòng mạch (IVUS) cho phép bác sĩ lựa chọn kích thước stent tối ưu cho từng loại mạch máu của bệnh nhân, hạn chế thấp nhất khả năng tái hẹp.
Bên cạnh kỹ thuật DK Crush, Trung tâm Can thiệp mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM còn áp dụng nhiều kỹ thuật can thiệp động mạch vành trong các tổn thương mạch vành phức tạp, phân nhánh khác như: Culotte, TAP-Stent (T And Protrusion)...
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Gia Hưng