Ông Dũng, ngụ Kiên Giang, từng mổ nội soi cắt đốt tuyến tiền liệt, phát sinh biến chứng khiến niệu đạo hẹp. 7 tháng nay, ông phải mang tã do nước tiểu rò rỉ không thể kiểm soát, nhất là khi hắt xì, ho, tằng hắng. Ông mổ điều trị hẹp nhưng không hiệu quả, tình trạng nặng thêm.
Kết quả chụp X-quang niệu đạo ngược dòng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy miệng niệu đạo ông Dũng thụt vào trong 3 cm, ở trên có đoạn hẹp dài 3 cm. Ông còn bị nhiễm trùng đường tiểu.
Ngày 26/4, thạc sĩ, bác sĩ Cao Vĩnh Duy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết người bệnh cần được phẫu thuật tạo hình niệu đạo để phục hồi dị dạng của ống tiểu. Tổng chiều dài niệu đạo cần tái tạo 10 cm.
Bác sĩ Duy đánh giá đây là ca phẫu thuật phức tạp, không chỉ do đoạn hẹp dài mà bệnh nhân đã mổ niệu đạo nhiều lần nên vùng phẫu thuật rất dính, khó bóc tách. Bác sĩ chọn phương án sử dụng vạt da bao quy đầu để làm vật liệu tái tạo ống niệu đạo cho ông Dũng.
Ba tuần trước ca phẫu thuật, ông được mở bàng quang ra da để tạo đường thoát nước tiểu tạm thời, dẫn trực tiếp từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể thông qua một lỗ trên bụng, hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tiểu, sau đó mới tạo hình niệu đạo.
Bác sĩ Duy rạch một đường quanh dương vật dưới quy đầu, bóc tách, tiếp cận và xẻ ống niệu đạo hẹp. Bóc tách tạo một đoạn vạt da bao quy đầu có cuống mạch máu dài 10 cm, khâu nối với niệu đạo tạo hình thành niệu đạo mới rộng hơn. Sau đó, bác sĩ đưa miệng niệu đạo trở về vị trí bình thường, tái tạo quy đầu của người bệnh. Ca mổ hoàn thành sau 180 phút.
"Người bệnh từng cắt bao quy đầu có thể thay thế vạt da bao quy đầu bằng niêm mạc miệng. Hiệu quả của hai kỹ thuật tương đương nhau", bác sĩ Duy nói.
Hai ngày sau mổ, ông Dũng ăn uống bình thường, vết thương phục hồi tốt, ít đau, có thể đi lại trong phòng bệnh.
Hẹp niệu đạo có thể xảy ra ở cả hai giới nhưng phổ biến ở nam giới. Có 4 nhóm nguyên nhân gây hẹp niệu đạo gồm vô căn, y khoa, viêm nhiễm và chấn thương vật lý. Trong đó, thường gặp nhất là hai nhóm chấn thương và y khoa, mỗi loại chiếm khoảng 33% trường hợp. Hẹp niệu đạo tái phát do phẫu thuật nhiều lần giống trường hợp ông Dũng càng ít.
Niệu đạo bị hẹp khiến nước tiểu không thể tống xuất hoàn toàn ra ngoài dẫn đến bí tiểu cấp tính, gây đau. Lúc này, người bệnh cần cấp cứu để giải phóng tắc nghẽn. Nghiêm trọng hơn, nước tiểu có thể trào ngược lên thận, khiến thận bị ứ nước, lâu ngày làm suy giảm chức năng thận, hình thành sỏi thận, nhiễm trùng thận.
Ở nam giới, niệu đạo đồng thời là đường xuất tinh. Do đó, niệu đạo hẹp ảnh hưởng khả năng phóng tinh, gây rối loạn cương dương, khiến người đàn ông khó, thậm chí không thể có con dù quan hệ tình dục bình thường.
Theo bác sĩ Duy, có nhiều biện pháp điều trị như nong niệu đạo, đặt stent hay xẻ lạnh niệu đạo nhưng chỉ là những phương án tạm thời, hiệu quả không cao, tỷ lệ tái phát hẹp cao. Phẫu thuật tạo hình niệu đạo xử lý hoàn toàn đoạn hẹp nên hiệu quả trên 90%. Tùy vị trí, chiều dài, mức độ hẹp mà bác sĩ chọn kỹ thuật tạo hình phù hợp.
Để phòng ngừa hẹp niệu đạo, cần tránh chấn thương vùng kín; quan hệ tình dục an toàn để tránh viêm nhiễm xơ hẹp. Ngoài ra, tránh các bệnh cần phẫu thuật qua niệu đạo như sỏi tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt bằng cách uống nhiều nước. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị nhẹ nhàng, không cần can thiệp phẫu thuật.
Nam giới bị rối loạn tiểu, từng chấn thương liên quan vùng chậu và tầng sinh môn, tiền sử phẫu thuật qua niệu đạo nhiều lần hoặc viêm niệu đạo, cần đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân, điều trị phù hợp.
Thắng Vũ - Đức Trí
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |