Ông An, ngụ Đồng Nai, có sỏi nhỏ trong thận trái khoảng 6 năm trước, thỉnh thoảng đau hông lưng, chưa điều trị. Khoảng hai tháng trước, ông đột nhiên sốt, toàn thân rét run cầm cập, đến bệnh viện địa phương cấp cứu, được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu. Ông điều trị bằng kháng sinh ba tuần không khỏi, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 17/4, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Trúc, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết thận trái bệnh nhân có khối sỏi san hô kích thước 10x5 cm, choán hết đài thận lớn, nhiều nhánh len lỏi vào các đài thận nhỏ. Toàn bộ khối sỏi giống một củ gừng lớn. Đây là nguyên nhân khiến ông điều trị nhiễm trùng tiểu thời gian dài không khỏi.
Ông cần được điều trị nhiễm trùng và loại bỏ khối sỏi sớm, tránh gây nhiễm trùng thận, làm nặng thêm bệnh suy thận mạn, tử vong nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu.
Mổ mở và tán sỏi qua da là hai phương án được ưu tiên lựa chọn đối với sỏi san hô cỡ lớn. Tuy nhiên, ông An mắc nhiều bệnh nền, đặc biệt suy thận mạn giai đoạn 3, nếu mổ mở, chức năng thận tổn thương nghiêm trọng. Trường hợp chức năng bên thận không có sỏi suy giảm nặng, mổ mở khiến người bệnh tăng mức độ suy thận, phải chạy thận nhân tạo.
Khối sỏi san hô lớn, kết cấu phức tạp, mổ mở có khả năng không lấy sạch sỏi trong một lần lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người bệnh. Do đó, các bác sĩ chọn phương pháp nội soi tán sỏi qua da (Percutaneous Nephrolithotomy - PCNL).
Bác sĩ Trúc đánh giá đây là phương pháp điều trị sỏi thận hiện đại, ưu tiên điều trị cho trường hợp sỏi lớn trên 2 cm, phức tạp, sỏi san hô.
Thông qua một "đường hầm" rất nhỏ (0,5 cm) từ lưng đến thẳng bể thận người bệnh, các dụng cụ nội soi, tán sỏi laser được đưa vào để tán vỡ vụn sỏi rồi hút sỏi ra ngoài. Tán sỏi qua da ít xâm lấn, ít ảnh hưởng chức năng thận, ít đau, người bệnh phục hồi nhanh.
Bác sĩ đặt ống thông niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) dẫn lưu hết nước tiểu nhiễm trùng ra khỏi thận. Sau một tuần điều trị, nhiễm trùng đường tiểu ổn định, ông An được tán sỏi.
Do khối sỏi quá lớn, nếu tán trong một lần thời gian điều trị sẽ kéo dài gấp đôi (khoảng 360 phút), nguy cơ nhiễm khuẩn ngược dòng, không có lợi cho người bệnh suy thận mạn có tiền sử nhiễm khuẩn đường tiểu như ông. Bác sĩ Trúc chia liệu trình tán sỏi thành hai lần, cách nhau một tháng, vừa làm sạch hoàn toàn sỏi trong thận vừa bảo đảm sức khỏe người bệnh.
Nhờ sự hỗ trợ của nhiều máy móc, bác sĩ dễ dàng kiểm tra đài bể thận trong quá trình tán sỏi, lấy hết vụn sỏi sau điều trị. "Sỏi san hô dễ tái phát, chỉ cần một vụn nhỏ sót lại có thể phát triển thành khối sỏi mới", bác sĩ Trúc nói.
Sau hai lần tán, khối sỏi lớn bên trong thận trái ông sạch hoàn toàn, chức năng thận được bảo tồn. Hai ngày sau phẫu thuật, ông phục hồi, không đau, đi lại, ăn uống bình thường và được xuất viện.
Bác sĩ Trúc cho biết mỗi tháng khoa Tiết niệu của bệnh viện điều trị sỏi thận cho khoảng 20 trường hợp suy thận với nhiều mức độ khác nhau. Tùy mức độ và loại suy thận (cấp tính hay mạn tính), bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Sỏi thận chiếm dưới 2% nguyên nhân gây bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối nhưng phần lớn trường hợp là sỏi nhiễm trùng.
Sỏi san hô phát triển âm thầm trong thời gian dài, không gây tắc nghẽn niệu quản nên ngay cả có sỏi lớn trong thận, người bệnh thường không đau hông lưng như những loại sỏi thận khác, khó nhận biết, chỉ phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe cần chụp X-quang, siêu âm hệ tiết niệu.
Bác sĩ Trúc khuyến cáo người nhiễm khuẩn đường tiểu điều trị lâu không khỏi, tiểu rắt, tiểu nhiều, sốt cao, rét run, sụt cân bất thường cần đến bệnh viện khám và điều trị sớm; tránh để lâu phát sinh biến chứng nguy hiểm với chức năng thận, tính mạng.
Để phòng ngừa sỏi san hô, bác sĩ Thanh Trúc khuyên mọi người uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, hạn chế ăn đạm động vật; muối; thực phẩm giàu oxalat (rau chân vịt, củ cải trắng, chocolate); tránh nhịn tiểu quá lâu, khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần.
Thắng Vũ
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |