Tại sao bé có vết bớt này, có nguy hiểm không, điều trị thế nào? (Minh Hùng, Cà Mau)
Trả lời:
Vết bớt là một bất thường ở da, màu sắc khác biệt các vùng da xung quanh. Đa phần vết bớt xuất hiện sau khi sinh, có thể mờ dần khi lớn lên hoặc tồn tại vĩnh viễn trên da. Các vị trí thường xuất hiện bớt là mặt, cổ, lưng, bụng, tay, chân, mông...
Vết bớt thường khác nhau về kích thước, hình dạng và màu sắc ở mỗi người. Đó có thể là một dát phẳng hoặc sẩn, mảng nổi lên trên da. Bớt có nhiều màu như hồng, đỏ, tím, nâu, đen, xanh đen. Kích thước bớt từ vài mm đến hàng chục cm, có thể lớn lên, thay đổi màu sắc khi già đi hoặc khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thay đổi hormone.
Hiện chưa thể xác định chính xác nguyên nhân hình thành bớt. Một số trường hợp, bớt xuất hiện do các mạch máu không hình thành như bình thường trong quá trình phát triển của thai nhi (vết bớt mạch máu); hoặc các tế bào sản xuất sắc tố melanin cho da là melanocyte phát triển thành cụm (vết bớt sắc tố). Một số bớt xuất hiện do di truyền hoặc bệnh tiềm ẩn, như ung thư da hoặc u sợi thần kinh.
Nhóm bớt mạch máu có thể là u mạch máu, bớt đốm cá hồi, bớt đỏ rượu vang, dị dạng mạch máu tĩnh mạch. Nhóm bớt sắc tố gồm bớt xanh (bớt Mông Cổ), bớt cà phê sữa, bớt nevi bẩm sinh (nốt ruồi), bớt tế bào hắc tố bẩm sinh, bớt ota...

Vết bớt xanh trên da. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Khoảng hơn 10% trẻ sơ sinh có vết bớt trên cơ thể và việc xác định loại bớt dựa vào kiểm tra trực quan da của trẻ. Bớt tạo các vết nâu trên da như nốt ruồi và đốm màu cà phê rất phổ biến. Khoảng 1/100 trẻ sơ sinh có nốt ruồi nhỏ, nốt ruồi lớn ít phổ biến hơn. Bớt Mông Cổ cũng khá phổ biến, xuất hiện chủ yếu ở người châu Á.
Theo mô tả của anh, vết bớt của bé có thể là bớt Mông Cổ. Bớt này thường có màu xanh xám, trông giống như vết bầm tím, xuất hiện ngay khi trẻ được sinh ra hoặc một thời gian ngắn sau sinh. Loại này thường xuất hiện ở phần dưới cột sống, ở mông hoặc lưng dưới, đôi khi ở thân hoặc cánh tay. Bớt Mông Cổ có thể tồn tại nhiều tháng hoặc nhiều năm, thường tự biến mất khi trẻ lên 4 tuổi.
Các vết bớt hầu như vô hại, không đau và không cần phải điều trị. Một số loại có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da. Nếu bớt của bé có các bất thường như chảy máu, đau, ngứa, nhiễm trùng, tăng kích thước..., phụ huynh cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc da liễu để được chẩn đoán và điều trị.
Trường hợp vết bớt ảnh hưởng tới thẩm mỹ như ở mặt hoặc kích thước lớn, sần sùi nên được can thiệp sớm để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Tùy loại bớt có các liệu trình điều trị khác nhau. Các phương pháp loại bỏ hoặc làm mờ vết bớt như liệu pháp laser, sử dụng thuốc, áp lạnh và phẫu thuật cắt bỏ. Màu da, loại, vị trí, kích thước của vết bớt và lứa tuổi người bệnh... là những yếu tố chính quyết định phương pháp điều trị.
BS CKI Võ Thị Tường Duy
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |