Trả lời:
Táo bón ở trẻ thường do thiếu nước, thiếu chất xơ hòa tan và lợi khuẩn đường ruột. Hậu quả là phân khô, cứng, gây đau khi đi đại tiện. Trẻ ăn ít rau quả, uống không đủ nước, dùng nhiều đồ ngọt hoặc có thói quen nhịn đi đại tiện cũng dễ gặp tình trạng này.
Thiếu nước: Lượng chất lỏng cung cấp cho trẻ hàng ngày từ sữa, thức ăn, nước uống cần đầy đủ. Trẻ nặng 10 kg cần uống một lít nước mỗi ngày (kể cả lượng sữa mà bé uống vào). Với trẻ nặng hơn 10 kg, cứ 1 kg cần tăng thêm 50 ml nước.
Ba mẹ có thể ước tính lượng nước hàng ngày cho con bằng công thức: Lượng nước trẻ cần uống (ml) = 1.000 (ml) + n x 50 (ml), trong đó "n" là số kg của trẻ trừ đi 10 đơn vị. Ví dụ bé nặng 13 kg cần lượng nước mỗi ngày là 1.000 ml + (3 x 50 ml) = 1.150 ml. Nếu trẻ đã uống 500 ml sữa thì lượng nước cần bổ sung thêm là 1.150 - 500 = 650 ml từ thức ăn và nước uống.
Lượng nước uống vào mỗi ngày của trẻ từ 10 tuổi trở lên bằng với lượng nước của người lớn, khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Lượng nước trẻ cần uống nên chia đều trong ngày, uống ít nước hơn vào buổi tối.
Thiếu chất xơ hòa tan: Chất xơ gồm một tổ hợp các nhóm chất lignin, pectin, cellulose... là các đường đa polysaccharides tiêu hóa được trong thức ăn. Trong hệ tiêu hóa, chất xơ không hòa tan giúp thức ăn dễ dàng đi qua dạ dày, ruột, cân bằng độ PH, ngăn ngừa viêm nhiễm đường ruột. Chất xơ hòa tan hấp thụ nước, tan trong nước giống như gel để phân dễ dàng trơn trượt di chuyển theo đường tiêu hóa, cải thiện độ đặc cứng của phân. Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong các loại rau nhớt như rau mồng tơi, rau đay, rau lang, rau đậu bắp, khoai lang, quả thanh long, đu đủ, bưởi, cam...
Thiếu lượng vi sinh vật lợi khuẩn cân bằng đường ruột: Hệ vi sinh vật đường ổn định bằng giúp khối phân xốp mềm, trơn, dễ đi vệ sinh. Trẻ nhỏ nên bú sữa mẹ vì có chứa thành phần cân bằng chất béo, protein, chất xơ, nước... giúp giảm táo bón.
Trong giai đoạn trẻ tập ăn dặm, các món như bột sữa, bột ngũ cốc, cháo ngũ cốc... thường thiếu chất xơ. Ăn những món này quá sớm có thể khiến bé bị táo bón. Trẻ lớn hơn nên tập thói quen uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả, tránh nhịn đi ngoài, vận động thường xuyên.
Khi trẻ có dấu hiệu bất thường như đau nhiều vùng hậu môn khi đi ngoài, trĩ, nứt kẽ hậu môn, đi vệ sinh có máu tươi, ba mẹ cần đưa con đi khám, điều trị sớm. Bác sĩ chỉ định cho xét nghiệm vi chất trong cơ thể bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC để xác định cơ thể đang thiếu, thừa dưỡng chất nào. Dựa vào đó, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng cụ thể phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |