Làm thế nào để cải thiện? Để lâu có ảnh hưởng đến sức khỏe không? (Thu Tâm, Vĩnh Long)
Trả lời:
Suy tĩnh mạch chi dưới (Chronic Venous Disease - CVD) là tình trạng các van tĩnh mạch đóng không kín, khiến một phần máu nghèo oxy ứ đọng ở đó theo mỗi chu kỳ tim. Theo thời gian, tình trạng này diễn tiến thầm lặng gây ra triệu chứng đau, chuột rút, tê bì, phù và làm thay đổi màu sắc ở chân. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có khả năng diễn tiến đến loét chân khó lành hoặc biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính.
Bệnh nhân thường gặp triệu chứng đau chân và tê bì vì ứ đọng máu ở chân, cản trở dòng tuần hoàn máu, có thể do các nguyên nhân sau:
Suy van tĩnh mạch: Van trong lòng tĩnh mạch có nhiệm vụ ngăn máu chảy ngược lại xuống chân. Khi van bị suy, van đóng không kín, máu chảy ngược gây ứ đọng máu ở chân. Tình trạng này lâu dần làm tăng áp lực tĩnh mạch và viêm, dẫn đến đau nhức, ngứa, nóng rát chân.
Tổn thương thần kinh: Tăng áp lực tĩnh mạch và viêm do ứ đọng máu có thể làm tổn thương các dây thần kinh chi dưới gây cảm giác tê bì, ngứa ran và yếu ở chân.
Thay đổi da: Tĩnh mạch suy yếu cũng có thể dẫn đến những thay đổi ở da vùng chân, như khô, bong tróc và đổi màu sắc. Điều này gây mất thẩm mỹ, người bệnh có cảm giác khó chịu vì ngứa.
Hội chứng chân không yên: Tình trạng này gây ra cảm giác thôi thúc không thể cưỡng lại được, buộc người bệnh phải cử động chân, nhất là vào ban đêm. Hội chứng chân không yên khá phổ biến ở người bị suy tĩnh mạch chi dưới.
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Đây là tình trạng cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu, thường ở chân. Cục máu đông nếu ở tĩnh mạch lớn có thể gây đau, phù nặng chân và đỏ chân.
Một số mẹo giúp giảm đau chân và tê bì do suy tĩnh mạch chi dưới bao gồm:
Nâng cao chân: Động tác này giúp máu chảy ngược về tim tốt hơn, giảm áp lực và viêm ở chân, có thể kê chân lên gối hoặc sử dụng nệm nâng chân.
Mang vớ áp lực: Vớ căng giãn với áp lực vừa phải lên đôi chân, tạo lực ép hỗ trợ các tĩnh mạch chi dưới, một phần giảm căng giãn và ứ đọng máu trong tĩnh mạch, một phần giúp các van tĩnh mạch đóng kín hơn, máu chảy ngược lên tim tốt hơn.
Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu, giảm áp lực và viêm ở chân. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, bơi lội và đạp xe là lựa chọn tốt.
Giữ cân nặng hợp lý: Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên tĩnh mạch, khiến tình trạng suy tĩnh mạch chi dưới nghiêm trọng hơn.
Tránh hút thuốc: Thuốc lá làm tổn thương tĩnh mạch, khiến triệu chứng sưng đau, tê bì chân không cải thiện.
Hạn chế mang giày cao gót: Giày cao gót tạo áp lực lớn lên bàn chân, nhất là ở vùng các ngón chân, làm tăng nhanh áp lực tĩnh mạch khiến bệnh suy giãn tĩnh mạch diễn tiến nhanh hơn.
Tránh đứng hoặc ngồi lâu: Đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài làm áp lực mạch máu tăng cao, gây ra các biểu hiện khó chịu vùng chi dưới.
Nếu sau một thời gian áp dụng các biện pháp trên mà tình trạng đau chân, tê bì không giảm, bạn nên đưa mẹ đi khám. Tùy từng cấp độ suy tĩnh mạch, bác sĩ sẽ chọn phương pháp phù hợp như điều trị nội khoa, chích xơ tĩnh mạch, đốt laser nội tĩnh mạch, bơm keo tĩnh mạch...
BS.CKI Trần Quốc Hoài
Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |