Ngáy là triệu chứng rối loạn hô hấp khi ngủ, thường liên quan đến tắc nghẽn đường hô hấp trên. Tắc nghẽn làm cản trở luồng thông khí, giảm bão hòa oxy, gây ngưng thở khi ngủ. Ngủ ngáy là nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy thận, đột quỵ.
Ngáy phổ biến ở nam hơn nữ, có xu hướng tăng dần theo độ tuổi, cân nặng. Tùy vào từng người, âm lượng có thể dao động từ mức độ nhẹ, khoảng 40-50 decibel, đến nặng trên 60 decibel (lớn hơn tiếng ồn của một máy sấy tóc đang hoạt động 53dB).
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết rượu bia tác động tiêu cực đến người ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Thức uống này ức chế hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, khiến các cơ vùng cổ họng bị lỏng lẻo, giãn ra so với bình thường, cản trở lưu thông dòng khí ra vào hầu họng, dẫn đến thở khò khè, tiếng ngáy to.
Rượu bia cũng khiến nhịp thở chậm, hơi thở nông hơn, dễ khó thở. Người uống rượu bia thường xuyên có nguy cơ thừa cân, tích tụ mỡ khắp cơ thể, nhất là mỡ bụng (bụng bia). Khi chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên, tỷ lệ mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive Sleep Apnea - OSA) tăng lên gấp 7 lần, theo bác sĩ Hương.
Phân tích tổng hợp dựa trên 21 bài báo cáo từ năm 1985-2015 của Đại học Nottingham, Anh, đăng trên thư viện Y khoa Mỹ, cho thấy uống rượu có thể làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ 25%.
Triệu chứng ngáy liên quan đến ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có xu hướng nặng hơn, do xuất hiện các cơn giảm thở, ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn còn dẫn đến buồn ngủ nặng vào ban ngày, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, trầm cảm.
Ngày tất niên, lễ Tết, nhiều cuộc vui, tụ họp, lượng rượu bia tiêu thụ cũng nhiều hơn. Để giảm ngáy, bác sĩ Hương khuyên mọi người không nên uống rượu bia gần giờ ngủ, ít nhất trước ba tiếng để bớt tác dụng rượu bia lên hệ thần kinh, hô hấp. Chọn tư thế nằm ngủ nghiêng về một bên hoặc kê gối cao nhằm cải thiện thông khí ở đường hô hấp trên. Tránh ăn quá no và gần giờ đi ngủ, uống nhiều nước để giảm ngủ ngáy.
Người bệnh nên đi khám nếu ngủ ngáy trên ba ngày trở lên mỗi tuần, ngáy to gây khó chịu, kèm tiếng thở khò khè, thở hổn hển, nghẹt thở, nghiến răng, tỉnh giấc giữa đêm...
Tùy vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ tư vấn các phương pháp điều trị không can thiệp (dùng máy trợ thở) và can thiệp (bao gồm phẫu thuật điều trị nghẹt mũi, phẫu thuật chỉnh hình họng màn hầu lưỡi gà, phẫu thuật xương hàm, đốt sóng cao tần).
Bác sĩ Hương cho biết dù áp dụng phương pháp nào, người bệnh ngủ ngáy vẫn phải duy trì lối sống khoa học, giảm cân, tập thể dục đều đặn, hạn chế thức khuya và tránh uống rượu bia khi không cần thiết.
Khánh Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |