Bàng quang là một cơ quan rỗng ở vùng chậu dưới, chứa nước tiểu. Theo Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN), ung thư bàng quang phổ biến thứ 9 trên toàn cầu và thứ hai trong hệ tiết niệu.
Đàn ông, nhất là người lớn tuổi, có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang cao hơn nữ giới. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, mỗi năm tại nước này có khoảng 64.000 ca ung thư bàng quang được chẩn đoán ở nam giới, trong khi có khoảng 19.000 ca ở phụ nữ. Hơn 90% các trường hợp xảy ra ở người trên 55 tuổi và 80% người từ 65 tuổi trở lên.
Nam giới mắc ung thư bàng quang là do hút thuốc nhiều hơn nữ giới. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp ba lần so với người không hút. Cũng như nhiều loại ung thư khác, cả yếu tố di truyền và yếu tố môi trường đều ảnh hưởng đến nguy cơ gây bệnh. Bàng quang tiếp nhận nước tiểu từ thận sau khi thận lọc chất thải khỏi máu, nên có mức độ tiếp xúc cao với nhiều chất độc và chất gây ung thư.
So với nữ giới, nam giới thường làm việc trong các ngành hay tiếp xúc với một số hóa chất công nghiệp liên quan đến ung thư bàng quang. Chẳng hạn những hóa chất được sử dụng trong sơn và thuốc nhuộm. Các yếu tố khác như di truyền, hormone, nguồn nước uống bị ô nhiễm, cũng góp phần làm tăng nguy cơ ung thư ở đàn ông.
Dù ít khả năng bị ung thư bàng quang hơn nhưng phụ nữ có tiên lượng xấu hơn khi đã mắc bệnh. Ung thư bàng quang có thể điều trị được nếu phát hiện sớm, song các triệu chứng giai đoạn đầu ở phụ nữ thường bị nhầm lẫn với nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hoặc chảy máu sau mãn kinh, dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán. Hệ quả là ung thư bàng quang ở phụ nữ thường được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, điều trị khó khăn hơn và có tỷ lệ tái phát bệnh cao hơn nam giới.
Ung thư bàng quang có thể ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi, nhưng rất ít gặp ở phụ nữ trẻ. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ phụ nữ dưới 50 tuổi mắc bệnh chưa đến 1/100.000 người. Độ tuổi trung bình được chẩn đoán bệnh là 73.
Nhiều trường hợp ung thư bàng quang không có triệu chứng hoặc ban đầu có xu hướng nhẹ và không liên tục. Tiểu máu là dấu hiệu ban đầu phổ biến nhất. Máu có thể khiến nước tiểu có màu hồng nhạt, màu trà, hoặc màu đỏ tươi. Máu có thể xuất hiện rồi biến mất trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần rồi tái phát. Đôi khi lượng máu quá nhỏ đến mức chỉ có thể phát hiện được bằng xét nghiệm nước tiểu.
Những thay đổi trong quá trình đi tiểu cũng là triệu chứng ban đầu phổ biến bao gồm:
Tần suất: Ung thư bàng quang có thể dẫn đến tình trạng đi tiểu thường xuyên hơn, bao gồm cả thức giấc giữa đêm để đi tiểu.
Luôn có cảm giác buồn tiểu: Người bệnh cảm thấy cần đi tiểu ngay lập tức, ngay cả khi bàng quang không đầy.
Tiểu đau: Cảm giác đau hoặc nóng rát khi tiểu.
Đau: Ung thư bàng quang đôi khi gây đau lưng, đau dạ dày hoặc đau xương.
Các triệu chứng khác: Ung thư bàng quang tiến triển có thể gây ra sốt không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc chán ăn và mệt mỏi.
Phác đồ điều trị ung thư bàng quang phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và các yếu tố khác. Khi được chẩn đoán sớm, ung thư bàng quang có khả năng điều trị khỏi cao. Tỷ lệ sống sót trung bình 5 năm ở người bệnh giai đoạn đầu lên tới 96%.
Tuy nhiên, ngay cả trường hợp bệnh đã điều trị khỏi hoàn toàn, ung thư bàng quang vẫn có khả năng tái phát tới 80%. Đối với ung thư giai đoạn đầu, phụ nữ có nguy cơ tái phát cao hơn nam giới, do đó cần theo dõi liên tục sau khi điều trị.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |