Tiểu máu là hiện tượng nước tiểu thải ra có lẫn máu. Tiểu máu có hai dạng là tiểu máu đại thể (máu lẫn trong nước tiểu có thể quan sát bằng mắt thường) và tiểu máu vi thể (chỉ có một số tế bào hồng cầu trong nước tiểu, cần quan sát dưới kính hiển vi). BS.CKI Đỗ Thị Hằng, Trưởng đơn vị Nội thận - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết có nhiều nguyên nhân gây tiểu máu gồm:
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Đây là tình trạng viêm nhiễm tại các cơ quan trong hệ tiết niệu, thường do vi khuẩn gây ra. Ngoài tiểu máu, nhiễm trùng tiểu còn khiến người bệnh bị tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu buốt, nước tiểu đục...
Nhóm bệnh cầu thận: Cầu thận là đơn vị lọc máu của quả thận. Cấu trúc, chức năng của cầu thận tổn thương, ảnh hưởng khả năng lọc máu, làm rò rỉ hồng cầu và protein vào trong nước tiểu. Tiểu máu ở các bệnh cầu thận thường là tiểu máu vi thể. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến suy thận mạn. Một số bệnh cầu thận phổ biến như bệnh thận IgA, bệnh thận màng đáy mỏng, hội chứng Alport...
Nhiễm trùng thận: Xảy ra do vi khuẩn xâm nhập từ máu vào thận hoặc di chuyển ngược dòng từ bàng quang qua niệu quản lên thận. Nhiễm trùng thận rất nguy hiểm, có thể gây áp xe thận, hoại tử thận, ảnh hưởng đến chức năng thận nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Ung thư hệ tiết niệu: Tiểu máu là dấu hiệu đặc trưng ở ung thư hệ tiết niệu. Khối u ác tính có hiện tượng tăng sinh mạch máu quá mức dẫn đến vỡ, gây chảy máu vào nước tiểu. Các bệnh ung thư tiết niệu thường gặp là ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận, ung thư niệu quản.
Chấn thương: Người gặp tai nạn, va đập mạnh, chấn thương vùng bộ phận sinh dục, hông lưng, bụng có thể dẫn đến chảy máu bên trong các cơ quan hệ tiết niệu và gây tiểu máu.
Sỏi tiết niệu: Sỏi kích thước lớn, di chuyển trong hệ tiết niệu gây ma sát và làm tổn thương lớp niêm mạc các cơ quan trong hệ tiết niệu dẫn đến chảy máu vào nước tiểu.
Nhóm bệnh tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt là cơ quan chỉ có ở nam giới, nằm ngay bên dưới cổ bàng quang, bao quanh phần niệu đạo nối với bàng quang. Các bệnh tuyến tiền liệt thường gặp gồm phì đại lành tính, viêm, ung thư tuyến tiền liệt.
Hẹp đường tiểu: Niệu quản hay niệu đạo bị hẹp làm cản trở dòng nước tiểu khiến người bệnh tiểu khó, tiểu phải rặn lâu, tiểu ra máu, tiểu lắt nhắt... Để lâu không điều trị, bệnh có thể biến chứng nhiễm trùng tiểu, thận ứ nước, suy giảm chức năng thận...
Viêm bàng quang do bức xạ: Đây là một trong những tác dụng phụ sau khi xạ trị điều trị ung thư tại các cơ quan vùng chậu như bàng quang, đại trực tràng, tử cung, tuyến tiền liệt.
Thuốc: Người sử dụng một số loại thuốc chống ung thư, thuốc kháng sinh, thuốc ngừa cục máu đông, thuốc làm loãng máu, thuốc giảm đau... có thể gây tiểu máu.
Vận động quá sức: Người tập thể dục, chơi thể thao cường độ cao, tính đối kháng mạnh như bóng đá, chạy marathon, ba môn phối hợp... có thể gặp tình trạng tiểu máu kèm tình trạng tiểu khó, đau tức vùng xương mu. Đây là các triệu chứng tạm thời, thường biến mất khoảng 72 giờ sau khi kết thúc tập luyện, thi đấu.
Bác sĩ Hằng cho biết ngoài những nguyên nhân nêu trên, tình trạng tiểu máu còn xảy ra do rò động tĩnh mạch thận, nang thận, cục máu đông trong tĩnh mạch thận, nhồi máu thận... Bác sĩ khuyến cáo người có tình trạng tiểu máu nhiều đợt không hết cần đến bệnh viện khám để xác định chính xác nguyên nhân, điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận - tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |