Một tháng trước, bà Dinh được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch đùi khoeo và tĩnh mạch chậu trái, uống thuốc kháng đông hai tuần thì chân giảm đau, phù. Một tuần sau, chân bà nặng hơn, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Ngày 27/9, BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết bà Dinh hẹp nặng tĩnh mạch chậu trái do hội chứng May-Thurner.
Hội chứng May-Thurner là một trong những nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch sâu vùng chậu đùi ít gặp, chiếm 2-5% tổng số ca huyết khối tĩnh mạch sâu. Bệnh xảy ra khi động mạch chậu phải bắt chéo chèn ép tĩnh mạch chậu trái, làm chậm dòng máu từ chân trở lại tim. Tình trạng này làm tăng nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu tại vị trí tĩnh mạch chậu bị chèn ép. Cục máu đông có thể vỡ ra và trôi đến các động mạch khác gây thuyên tắc phổi đe dọa tính mạng.
ThS.BS Phạm Ngọc Minh Thủy, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trước đây với bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ thường điều trị nội khoa bằng thuốc kháng đông và vớ (tất) áp lực. Điều này giúp cải thiện một phần triệu chứng, ngăn hình thành huyết khối mới trong giai đoạn đầu. Nhưng một thời gian sau, bệnh dễ tái phát như trường hợp bà Dinh, huyết khối hình thành nhiều hơn.
Với hội chứng May-Thurner, nguyên nhân gây huyết khối và tái phát là do tĩnh mạch vùng chậu bị chèn ép. Bên cạnh điều trị thuốc để làm mềm cục máu đông, hút bớt máu đông, bác sĩ đặt stent tĩnh mạch chậu để khơi thông lòng mạch. "Đây là biện pháp ít xâm lấn, giải quyết gần như hoàn toàn tình trạng hẹp tĩnh mạch, khả năng tái phát thấp", bác sĩ Thủy nói.
Bác sĩ dùng một quả bóng nhỏ để mở rộng tĩnh mạch chậu trái cho bà Dinh, đưa dụng cụ chuyên dụng vào hút huyết khối bám trong lòng mạch. Cuối cùng, bác sĩ đặt stent vào tĩnh mạch, mở rộng lòng mạch để máu lưu thông bình thường.
Bà Dinh xuất viện sau một ngày, chân giảm phù nhiều, được kê toa thuốc kháng đông trong vài tháng đầu để ngăn tái phát huyết khối. Tái khám sau hai tuần, chân trái trở về kích thước ban đầu, hết đau nhức.
Theo bác sĩ Hoài, hội chứng May-Thurner không phải bệnh lý di truyền. Bệnh gồm ba giai đoạn là không triệu chứng, tĩnh mạch bị chèn ép lâu ngày làm tổn thương lòng mạch máu, đã hình thành máu đông trong lòng mạch. Người có nguy cơ mắc bệnh gồm nữ giới, trên 50 tuổi, phụ nữ mới sinh con, có từ hai con trở lên, phụ nữ đang uống thuốc tránh thai, người phải nằm bất động thời gian dài, người mắc bệnh lý làm tăng nguy cơ đông máu như ung thư.
Để giảm nguy cơ mắc hội chứng May-Thurner, bác sĩ khuyến cáo duy trì hoạt động nhằm giữ cho tĩnh mạch lưu thông bình thường, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, không đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, tránh mặc quần áo bó sát, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường. Khi có biểu hiện bệnh như chân sưng, nặng, đau nhức, giãn tĩnh mạch chân hoặc dấu hiệu nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch sâu (phù chân, chuột rút, da chân đổi màu đỏ hoặc tím, có cảm giác ấm khi chạm vào), người bệnh cần đi khám ngay.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |