Ngày 29/5, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhận định như trên, thêm rằng ung thư vú ở người lớn tuổi diễn tiến chậm, độ ác tính thấp. Ở mọi lứa tuổi, kể cả người già, ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời thì khả năng khỏi bệnh cao.
Thực tế, nhiều người lớn tuổi nghĩ rằng thời gian sống không còn nhiều, lại mắc các bệnh nền mạn tính khác nên ngần ngại chữa ung thư. Họ lo lắng các phương pháp chẩn đoán như sinh thiết, phẫu thuật "đụng dao kéo" khiến u lây lan nhanh. Ngoài ra, tài chính cũng là rào cản.
Trong khi đó, theo bác sĩ Tấn, người lớn tuổi thường có mô tuyến vú mềm, dễ phát hiện khối u nhỏ. Mô ngực của phụ nữ lớn tuổi bị thoái hóa mỡ nhiều nên chụp nhũ ảnh dễ chẩn đoán tổn thương. Khi phát hiện bệnh, đa số trường hợp chỉ cần cắt bỏ tuyến ngực và uống thuốc nội tiết mà không cần phải hóa trị hay xạ trị với nhiều tác dụng phụ nặng nề.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận nhiều trường hợp người bệnh lớn tuổi, điều trị ung thư vú với tỷ lệ khỏi cao. Song cũng không ít người bệnh đến viện khi đã di căn hạch, não, xương... do từ chối điều trị trước đó.
Như bà Hồng, 74 tuổi, phát hiện u ở ngực hồi tháng 1 nhưng giấu gia đình. Đến tháng 3, bà khám sức khỏe định kỳ. Lúc này, kết quả siêu âm cho thấy ngực phải có ổ u nhỏ, kích thước 0,5-1 cm. Bà được chụp nhũ ảnh, sinh thiết do nghi ngờ u ác tính.
Bác sĩ chẩn đoán bà ung thư vú giai đoạn 0, chỉ định phẫu thuật cắt tuyến vú. Do ung thư ở giai đoạn sớm, người bệnh không cần hóa trị, xạ trị hay uống thuốc nội tiết. "Cơ hội khỏi bệnh đến 100%", bác sĩ Tấn nói. Bà xuất viện sau 24 giờ mổ.
Còn bà Vân, 75 tuổi, ngụ Vũng Tàu, phát hiện ngực có khối u cỡ đầu ngón chân cái. "Tôi không đi khám vì sợ ung thư làm khổ con cháu", bà nói.
Đến khi con cái thúc giục, bà mới đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả siêu âm ghi nhận ngực phải có bướu 3,5 cm. Sinh thiết cho kết quả ung thư biểu mô ống tại chỗ độ 2, chưa xâm nhập. Vùng ngực trái cũng có tổn thương, đánh giá BIRADS 4.
Bà Vân mắc nhiều bệnh nền khác như tiểu đường, rối loạn nhịp tim phải đặt máy tạo nhịp, xơ vữa động mạch chủ bụng, suy thận giai đoạn 3A nên chần chừ điều trị ung thư. Sau nhiều lần được bác sĩ tư vấn về khả năng chữa khỏi ung thư cao, bà chọn phẫu thuật cắt bỏ hai ngực để phòng ngừa ung thư vú bên còn lại.
Sau mổ, bà Vân đi đứng, ăn uống bình thường. Bác sĩ Tấn cho biết người bệnh có tiên lượng điều trị tốt trên 90%, không cần hóa trị, xạ trị, không ảnh hưởng đến các bệnh nền.
"Những trường hợp này rất may cuối cùng vẫn điều trị, cơ hội khỏi ung thư hoàn toàn rất cao", bác sĩ Tấn nói.
Ung thư vú đứng đầu các loại ung thư ở nữ, những năm gần đây tỷ lệ mắc bệnh gia tăng. Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2022, ung thư vú vượt qua ung thư phổi, gan, đứng đầu về ca mắc mới tại Việt Nam, với hơn 24.000 trường hợp mắc mới, hơn 10.000 người tử vong.
Bác sĩ Tấn khuyên các gia đình có người thân lớn tuổi bị ung thư vú nên động viên, khích lệ người bệnh điều trị sớm, tránh bỏ lỡ cơ hội "vàng" chữa khỏi. Thực tế không ít trường hợp phát hiện muộn. Bệnh phát hiện trễ điều trị khó, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao do người lớn tuổi mắc nhiều bệnh nền đi kèm.
Như bà Mai, 66 tuổi, phát hiện ung thư vú phải giai đoạn 1 năm 2022, từ chối điều trị vì lo tốn kém, tự uống thuốc nam. Đến đầu năm 2024, bà thường xuyên bị chướng bụng, khó tiêu, đến khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Bác sĩ chẩn đoán ung thư vú đã di căn hạch, não, gan, xương, phúc mạc... Do bệnh tiến triển nặng, bà được hóa trị kết hợp chăm sóc giảm nhẹ, tiên lượng điều trị thấp.
Ung thư vú giai đoạn trễ thường có các dấu hiệu ở ngực như bướu to, loét da ngực, nhũ hoa chảy dịch nâu đỏ hoặc xuất hiện hạch nách... Người xuất hiện những triệu chứng này nên đến viện khám.
Nguyễn Trăm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |