Suy tuyến sinh dục nữ là sự suy giảm hoạt động của buồng trứng, đặc trưng với tình trạng giảm sản xuất noãn và các hóc môn sinh dục. Suy tuyến sinh dục nữ được chia thành 2 nhóm chính.
Suy tuyến sinh dục nguyên phát (ngoại biên): buồng trứng vẫn tiếp nhận thông tin từ não bộ nhưng không sản xuất đủ hóc môn sinh dục, bao gồm estrogen và progesterone.
Suy tuyến sinh dục thứ phát (trung ương): ngược lại, vấn đề nằm ở não bộ. Vùng dưới đồi và tuyến yên chịu trách nhiệm chi phối buồng trứng không hoạt động một cách có hiệu quả.
Triệu chứng
Đặc trưng của suy tuyến sinh dục nữ là tình trạng thiếu hụt hóc môn estrogen trong máu, gây ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể.
Triệu chứng toàn thân:
- Da chảy xệ, phổ biến ở vùng mặt, cổ, ngực, mông và đùi. Da khô, dễ hình thành nếp nhăn, chậm lành vết thương.
- Tâm sinh lý thay đổi, hay cáu gắt, giận dữ, hay lo âu, tính cách thất thường.
- Thay đổi hệ thần kinh, có triệu chứng mất ngủ, trầm cảm, hay quên, phản xạ thần kinh thường chậm và không chính xác.
- Hệ thần kinh thực vật bị rối loạn, hay bốc hỏa, mệt lả người, toát mồ hôi nhiều.
- Loãng xương, khớp xương viêm, đau, nhức mỏi thường xuyên.
- Rối loạn hệ tim mạch với tình trạng tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hay đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng phần phụ...
Triệu chứng rối loạn tình dục và sinh sản:
- Giảm ham muốn tình dục
- Giảm tiết dịch nhầy âm đạo, âm đạo khô, gây đau đớn, không hứng thú khi quan hệ
- Rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng, giảm hoặc mất khả năng có con...
Nguyên nhân
Theo bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM, nguyên nhân gây suy tuyến sinh dục ở nữ giới khá đa dạng, một số trường hợp có thể không xác định rõ được nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân gây suy tuyến sinh dục ở nữ đã được biết đến:
- Các bệnh lý tự miễn, như bệnh Addison và suy tuyến cận giáp.
- Bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Turner, hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy, hội chứng Kallmann.
- Tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh.
- Nhiễm trùng.
- Béo phì, hoặc giảm cân quá nhanh.
- Thiếu hụt dinh dưỡng.
- Thuốc như chlorambucil, cyclophosphamide.
- Xạ trị, hóa trị.
- Phẫu thuật tại buồng trứng hoặc tại hệ thần kinh trung ương.
- Khối u tại vùng dưới đồi, u tuyến yên hoặc các khu vực lân cận gây chèn ép.
Cùng với đó, nhóm phụ nữ có các yếu tố dưới đây sẽ tăng nguy cơ suy giảm tuyến sinh dục hơn, bao gồm:
- Mắc bệnh tim mạch, gan, thận.
- Mắc các bệnh về thần kinh như tổn thương tủy sống hoặc bệnh đa xơ cứng.
- Từng bị lạm dụng tình dục.
- Mắc phải chứng lo âu, trầm cảm.
Phương pháp điều trị
Bác sĩ Mỹ Tú cho biết, nguyên tắc điều trị suy tuyến sinh dục nữ bao gồm ưu tiên giải quyết nguyên nhân khi có thể, điều trị hiếm muộn nếu bệnh nhân có nguyện vọng có con và ngăn ngừa các biến chứng của tình trạng thiếu hụt estrogen.
Thông thường, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được chẩn đoán suy tuyến sinh dục thường nhận được liệu pháp sử dụng hóc môn thay thế. Thuốc có thể được sử dụng dưới dạng kem bôi âm đạo, đặt vòng hoặc sử dụng thuốc viên. Liệu pháp này có khả năng giúp cải thiện chức năng sinh dục, độ đàn hồi, tăng lưu lượng máu âm đạo, tăng cường sự bôi trơn trong quá trình quan hệ.
Các loại thuốc này cần được sử dụng dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý sử dụng, ngưng thuốc hay tăng liều mà không thảo luận với bác sĩ điều trị. Nữ giới sẽ có các tác dụng phụ khi sử dụng testosterone, bao gồm mụn trứng cá, rậm lông, thay đổi tính tình...
Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây cho rằng việc sử dụng hóc môn thay thế estrogen không đối kháng trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, thuyên tắc tĩnh mạch và đột quỵ. Liệu pháp nội tiết tố này không giải quyết vấn đề tình dục có nguyên nhân không liên quan đến hóc môn. Đối với nhóm phụ nữ mãn kinh, thuốc được chỉ định trong những trường hợp có triệu chứng nặng nề.
"Bên cạnh việc sử dụng thuốc, suy tuyến sinh dục nữ có thể được điều trị bằng phương pháp trị liệu hành vi. Các cặp vợ chồng nên trò chuyện, lắng nghe và tạo nên sự hòa hợp trong tình dục. Song song với đó, người bệnh nên duy trì thói quen sống lành mạnh, tránh xa rượu bia và các chất kích thích, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên, cải thiện vóc dáng, và giải tỏa bớt các căng thẳng hàng ngày. Các cặp vợ chồng cần tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia tư vấn, trị liệu về vấn đề tình dục và các mối quan hệ", bác sĩ Mỹ Tú chia sẻ thêm.
Anh Ngọc