Ngày 14/2, BS.CKII Trần Công Quyền, Phó khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết anh Tấn đến khám trong tình trạng mặt trong cẳng chân trái có vết loét đường kính khoảng 8 mm, vùng da xung quanh sạm, phù nề. Bác sĩ chẩn đoán anh bị suy tĩnh mạch mạn tính cấp độ C5. Đây có thể là biến chứng loét do suy tĩnh mạch sau tai nạn từ trước trùng với vị trí vết thương do tai nạn hai năm trước. "Suy tĩnh mạch làm cản trở lưu thông máu, thiếu máu mô lâu ngày dẫn đến loét da, sạm da. Vết loét không được điều trị đúng sẽ gây nhiễm trùng kéo dài", bác sĩ Quyền nói.
Sau khi bị thương nghiêm trọng vùng cẳng chân trái do tai nạn, anh Tấn có vết thương mặt trong cẳng chân trái loét to dần và không lành. Vết loét da khiến anh đau nhức, khó chịu dai dẳng, khó ngủ, sinh hoạt khó khăn.
Lần này, để giải quyết triệt để tình trạng của anh Tấn, bác sĩ bệnh viện Tâm Anh can thiệp bằng phương pháp bơm keo sinh học điều trị suy giãn tĩnh mạch chân tiên tiến hiện nay. Dưới hướng dẫn của hệ thống siêu âm tĩnh mạch 3D, bác sĩ Quyền cùng êkíp đưa keo sinh học dọc theo chiều dài của tĩnh mạch bị suy thông qua một ống thông nhỏ. Chất keo được nén chặt cho đến khi các thành mạch bị giãn gắn kết lại với nhau, giúp máu chuyển hướng lưu thông qua tĩnh mạch khỏe mạnh khác ở chân. Tĩnh mạch bị đóng lại sẽ dần biến mất theo thời gian.
![Bác sĩ Quyền (ngoài cùng bên phải) cùng êkíp bơm keo sinh học điều trị suy tĩnh mạch chi dưới cho anh Tấn. Ảnh: Thu Hà](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/14/image001-1739505456-3851-17395-9838-1611-1739508508.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fmng-NyjWuEUpbzLcW7Odw)
Bác sĩ Quyền (ngoài cùng bên phải) cùng êkíp bơm keo sinh học điều trị suy tĩnh mạch chi dưới cho anh Tấn. Ảnh: Thu Hà
Sau can thiệp, sức khỏe anh Tấn ổn định. Anh xuất viện ngay hôm sau, cần uống thuốc theo toa, tái khám định kỳ, mang vớ áp lực tĩnh mạch khi sinh hoạt hàng ngày.
BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết suy giãn tĩnh mạch là tình trạng hệ tĩnh mạch chân bị suy giảm chức năng do suy van tĩnh mạch. Hệ quả là tĩnh mạch giãn ra biểu hiện thành những đường ngoằn ngoèo dưới da, máu khó trở về tim nên bị ứ trệ tại đây tạo thành những cục huyết khối. Nếu không điều trị sớm, áp lực tạo ra do ứ đọng máu ở tĩnh mạch lâu ngày làm vỡ mạch máu nhỏ ở chân. Bệnh nhân có thể bị sưng và loét chân lâu lành, dễ nhiễm trùng và khó điều trị. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ như lớn tuổi (trên 50 tuổi), thừa cân - béo phì, hút thuốc lá, đứng hoặc ngồi một chỗ nhiều giờ..., chấn thương do tai nạn khiến van tĩnh mạch bị tổn thương.
Bác sĩ Hoài khuyến cáo người từng bị tai nạn, chấn thương chân bị vết thương khó lành, có yếu tố nguy cơ như béo phì, ít vận động... nên tầm soát bệnh tĩnh mạch. Mỗi người có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách không tiếp xúc với thuốc lá, tránh mặc quần áo bó sát hay đeo thắt lưng quá chặt, không ngồi hoặc đứng quá lâu, chế độ ăn uống lành mạnh cho tim, tập thể dục thường xuyên.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |