Theo bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM, buồng trứng là một bộ phận thuộc hệ thống sinh dục của nữ giới, đảm nhận nhiệm vụ sản xuất trứng cũng như tạo ra các hormone sinh dục nữ, đặc biệt là estrogen và progesterone. Bộ phận này đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ thai, điều hòa kinh nguyệt và phát triển vú.
Trong bệnh lý suy buồng trứng, buồng trứng của phụ nữ không còn khả năng thực hiện các chức năng bình thường, bao gồm phóng thích trứng và sản sinh ra hormone sinh dục. Điều này có thể gây rối loạn kinh nguyệt và vô sinh ở phụ nữ.
Triệu chứng
Các triệu chứng của suy buồng trứng nguyên phát khá giống với triệu chứng mãn kinh hoặc thiếu hụt estrogen. Bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề:
- Kinh nguyệt không đều, chậm kinh, tắc kinh
- Khó thụ thai
- Bốc hỏa, dễ cáu gắt
- Giảm khả năng tập trung và ghi nhớ
- Khó ngủ, vã mồ hôi về đêm
- Khô âm đạo, đau rát khi quan hệ tình dục
- Giảm ham muốn tình dục
Ngoài ra, tình trạng này còn làm giảm nồng độ các hormone sinh dục, đặc biệt là estrogen, nên có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe khác như lo âu, trầm cảm, thay đổi tâm trạng thất thường, khô mắt và các bệnh lý trên bề mặt mắt, suy giáp, loãng xương, xơ vữa động mạch...
Nguyên nhân
Theo Medlineplus, trong 90% các trường hợp, nguyên nhân gây suy buồng trứng không được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số vấn đề được cho là có khả năng dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
Rối loạn di truyền: Một số rối loạn di truyền có thể dẫn đến suy buồng trứng nguyên phát như hội chứng Turner thể khảm hoặc hội chứng Fragile X.
Độc tố: Phương pháp hóa trị và xạ trị ung thư sẽ làm phá hủy vật chất di truyền trong tế bào, từ đó dẫn đến suy buồng trứng nguyên phát. Các chất độc hại có trong thuốc lá, thuốc trừ sâu cũng có thể đẩy nhanh quá trình suy buồng trứng ở phụ nữ.
Bệnh tự miễn: Trong một số bệnh lý tự miễn như viêm tuyến giáp hoặc bệnh Addison (suy tuyến thượng thận), hệ miễn dịch của bệnh nhân tạo ra các kháng thể chống lại mô ở buồng trứng, gây hại cho các nang trứng và ảnh hưởng đến chất lượng của trứng.
Nhiễm virus: Một số loại virus như virus herpes simplex (HSV), virus gây bệnh quai bị có thể gây viêm buồng trứng hoặc các bệnh tự miễn, từ đó làm tổn thương buồng trứng và gây suy buồng trứng sớm.
Điều trị
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh giúp khôi phục lại chức năng bình thường của buồng trứng. Tuy nhiên, một số phương pháp có thể được áp dụng để điều trị các triệu chứng do suy buồng trứng gây ra.
Liệu pháp thay thế hormone: Liệu pháp này sẽ cung cấp cho bệnh nhân estrogen và các hormone khác mà buồng trứng không thể tự sản xuất được, từ đó ngăn ngừa loãng xương, giảm tình trạng bốc hỏa và cải thiện sức khỏe tình dục. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng liệu pháp thay thế hormone cho đến khoảng 50 tuổi (độ tuổi mãn kinh tự nhiên).
Bổ sung canxi và vitamin D: Vì phụ nữ bị suy buồng trứng có nguy cơ loãng xương cao hơn người bình thường. Vì vậy, bác sĩ có thể khuyến nghị người bệnh bổ sung thêm canxi và vitamin D để hạn chế tình trạng này.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Nếu mong muốn có thai, bệnh nhân suy buồng trứng có thể cân nhắc đến việc thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm.
Phương Quỳnh