Phụ nữ gặp khó khăn trong việc mang thai có thể cần sử dụng các phương pháp điều trị vô sinh như dùng thuốc, thụ tinh nhân tạo hoặc kết hợp cả hai. IUI là phương pháp thụ tinh nhân tạo trong tử cung, có thể đi kèm thuốc hỗ trợ sinh sản. Khi đó, tinh trùng sẽ được rửa theo phương pháp đặc biệt trước khi bơm trực tiếp vào tử cung qua một ống thông.
Thống kê từ Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ (ASRM) cho thấy tỷ lệ mang thai ở những phụ nữ điều trị IUI cao gấp đôi những người không thực hiện. Sự thành công của IUI phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà phổ biến nhất là:
Thuốc hỗ trợ sinh sản
Tỷ lệ thành công của IUI có xu hướng cao hơn khi sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản so với các chu kỳ không dùng thuốc. Đó là do các loại thuốc hỗ trợ sinh sản kích thích buồng trứng tạo ra nhiều nang trứng hơn, từ đó thúc đẩy quá trình trứng rụng. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc sẽ có tác động khác nhau, chẳng hạn nghiên cứu cho thấy thực hiện chu kỳ IUI cùng một số loại thuốc như Clomid và Femara (letrozole) cho tỷ lệ thành công thấp hơn so với nhóm gonadotropins (như Gonal-F và Follistim).
Tuổi tác
Tuổi tác cũng góp phần vào sự thành công của IUI. Nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ IUI thành công thấp hơn ở những người trên 40 tuổi do khả năng sinh sản giảm tự nhiên theo độ tuổi, đặc biệt là nữ giới. Tuổi càng cao, số lượng và chất lượng trứng càng suy giảm. Điều này không chỉ làm giảm khả năng mang thai tự nhiên mà còn khiến các phương pháp điều trị sinh sản trở nên khó khăn hơn.
Nếu phụ nữ dưới 40 tuổi, bác sĩ sản khoa sẽ khuyến khích thực hiện đủ 3 chu kỳ IUI trước khi điều trị IVF. Với trường hợp trên 40 tuổi, bác sĩ có thể chỉ định thử một chu kỳ IUI hoặc khuyên tiến hành IVF ngay lập tức vì tỷ lệ IUI thành công thấp hơn ở nhóm tuổi này.
Một nghiên cứu đã phân tích 2.019 chu kỳ IUI để xem mức độ ảnh hưởng của tuổi tác đến tỷ lệ thành công IUI. Kết quả thu được cho thấy, ở độ tuổi 20 - 30, tỷ lệ thụ thai thành công cho các cặp thực hiện IUI là 17,6%, tỷ lệ sinh con thành công là 13%. Tỷ lệ này giảm dần cho tới độ tuổi trên 50 lần lượt là 5,4% và 3%.
Thời gian điều trị hiếm muộn
Tỷ lệ thành công của IUI cao hơn đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn đã cố gắng mang thai dưới 4 năm. Với những cặp đôi có thời gian lâu hơn tỷ lệ thành công IUI sẽ thấp hơn và còn tiếp tục giảm theo thời gian. Do đó, nếu phát hiện bản thân và đối tác không thể mang thai trong vòng 6 tháng (với phụ nữ dưới 35 tuổi) và trong vòng 1 năm (với phụ nữ trên 35 tuổi), hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ chuyên khoa, đừng để quá muộn mới thăm khám.
Yếu tố vô sinh
IUI có thành công hay không cũng phụ thuộc vào những yếu tố vô sinh liên quan đến các vấn đề ở cơ quan sinh sản ở cả hai giới. Chẳng hạn các vấn đề với tinh trùng (tinh trùng yếu, biến dạng) hoặc cổ tử cung bị khiếm khuyết, lạc nội mạc tử cung nặng,... tỷ lệ thành công khi điều trị IUI có thể không cao. Điều trị IVF sẽ là lựa chọn tốt hơn trong những trường hợp này. Tuy nhiên, IUI với thuốc hỗ trợ sinh sản kích thích rụng trứng có thể mang tới thành công hơn ở người không rụng trứng một cách tự nhiên, hoặc rụng trứng không thường xuyên, rối loạn rụng trứng... Phương pháp này cũng cho hiệu quả cao trong trường hợp một cặp vợ chồng khó mang thai vì người chồng gặp vấn đề với tinh trùng.
Ít tốn kém hơn IVF nên đây cũng là nguyên nhân khiến IUI trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người. Tuy nhiên, hãy cân nhắc khả năng thành công và thực hiện IVF luôn đôi khi lại là một quyết định mang tính kinh tế hơn.
Bảo Bảo (Theo Very Well Family)