Bà Nguyễn Thị Năm (78 tuổi, ngụ Tiền Giang) nhập viện cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh TP HCM sau 44 giờ khởi phát nhồi máu cơ tim. Lúc này, cơ tim chết 80-90%, cơ hội sống sót rất thấp. Tuy nhiên, bác sĩ Trung tâm Can thiệp mạch nỗ lực cứu những cơ tim còn sống, ngăn tình trạng hoại tử cơ tim tiến triển nặng, thủng thành tim gây tràn máu màng tim hoặc vỡ tim. Bệnh nhân ổn định sức khỏe xuất viện, cần theo dõi sát sao.
Trước đó, ông Lê Văn Biên (58 tuổi, ngụ TP HCM) cũng gặp tình trạng đau ngực. Ông đi khám ở bệnh viện địa phương, kết quả hẹp nặng mạch máu nuôi tim nhưng từ chối nhập viện vì cho rằng bản thân khỏe mạnh. Tuy nhiên, sau đó các cơn đau ngực đến dồn dập vào tối cùng ngày, gia đình đưa ông đến BVĐK Tâm Anh TP HCM sau 14 tiếng kể từ khi khởi phát cơn nhồi máu cơ tim cấp. May mắn, ông được đặt stent thành công, xuất viện sau 5 ngày.
Bà Năm, ông Biên là một trong số ít trường hợp may mắn khi sức khỏe ổn định sau cấp cứu. Theo y văn thế giới, với những trường hợp nhồi máu cơ tim nhập viện sau "giờ vàng", tỷ lệ tử vong có thể lên đến 70% nếu mạch máu hẹp nặng ở vị trí quan trọng. Trường hợp hẹp vị trí ít quan trọng hơn, dù được tái thông mạch máu vẫn có nguy cơ để lại di chứng suy tim, rối loạn nhịp tim, vỡ tim dẫn đến tử vong... Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ sau can thiệp.
ThS.BS Võ Anh Minh - Trưởng đơn vị Can thiệp mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, khi cấp cứu những trường hợp này, thời gian và kinh nghiệm của bác sĩ là yếu tố quyết định thành công. Bác sĩ luôn phải "cân não" đánh giá giữa lợi ích, nguy cơ khi can thiệp nong mạch máu cho bệnh nhân bằng việc hỏi kỹ bệnh sử, kết hợp đo điện tim, siêu âm tim, hội chẩn nhanh và đưa ra quyết định tức thời, chính xác.
Chính vì thế, ngay từ những giai đoạn sơ cứu ban đầu, cấp cứu lúc nhập viện, hội chẩn và tiến hành nong bóng đặt stent mạch vành tái thông dòng máu đến tim, tất cả phải được tiến hành khẩn trương, chuẩn xác. Theo Hiệp hội Tim mạch châu Âu và Mỹ, thời gian tái thông mạch máu cứu người bệnh nhồi máu cơ tim cấp lý tưởng là dưới 60 phút. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quá trình này diễn ra trong vòng 40-45 phút nhờ kinh nghiệm, sự phối hợp liên chuyên khoa chặt chẽ, hỗ trợ của hệ thống can thiệp mạch số hóa xóa nền (DSA) hiện đại, kết hợp siêu âm trong lòng mạch (IVUS) giúp rút ngắn thời gian can thiệp.
"Trong 1-2 giờ đầu từ khi có triệu chứng đau ngực, bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán, can thiệp kịp thời. Giai đoạn này cơ tim chỉ bị tổn thương nhẹ. Việc tái tưới máu cơ tim cần tiến hành nhanh chóng để hạn chế cơ tim chết, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng", bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Minh, từ 2-6 giờ sau đó, một lượng cơ tim nhất định đã bị tổn thương nên việc cứu cơ tim sẽ giảm hiệu quả hơn. Sau 6 giờ, những cơ tim bị tổn thương sẽ mất vĩnh viễn, bệnh nhân có nguy cơ biến chứng nặng. Nếu nhập viện sau 12 giờ khi số lượng cơ tim chết lan rộng, tỷ lệ thành công khi can thiệp mong manh, nguy cơ tử vong cao.
Một số triệu chứng nhồi máu cơ tim có thể nhầm lẫn với bệnh lý khác khiến bệnh nhân nhập viện trễ, dẫn đến tăng tỷ lệ biến chứng, thậm chí tử vong. Bác sĩ Minh khuyến cáo, người bệnh cần nhập viện cấp cứu ngay khi xuất hiện các triệu chứng như: đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức; cơn đau kéo dài 5-7 phút trở lên, có thể lan lên cằm, vai hoặc cánh tay; khó thở; tim đập nhanh; đổ mồ hôi lạnh; buồn nôn, khó tiêu/ợ chua, khó chịu hoặc đau dạ dày; tê mỏi tay chân; xây xẩm, chóng mặt; ngất xỉu.
Mỗi năm thế giới có khoảng 300.000-400.000 người tử vong do nhồi máu cơ tim cấp. Nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim cấp do tình trạng hẹp nặng hay tắc nghẽn mạch vành (mạch máu nuôi tim) khiến lưu lượng máu đến tim giảm dẫn đến thiếu máu cơ tim.
Các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành dẫn đến thiếu máu cơ tim bao gồm: lớn tuổi, tiền sử gia đình có bệnh tim mạch sớm; tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, suy thận mạn, bệnh tự miễn; hút thuốc lá, thừa cân - béo phì, ít vận động, stress... Do đó, những người có yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành hay người bệnh mạch vành mạn tính nên khám tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ. Điều này giúp giảm nguy cơ biến chứng nặng, tử vong, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Nguyên Phương